Năm 2013, toàn xã Quảng Công (Thừa Thiên Huế) đưa vào thả nuôi 121 ha, trong đó có 88,64 ha nuôi ở vùng đầm phá, với 221 hộ tham gia. Sau khi tiến hành thu hoạch các diện tích tôm nuôi, tận dụng diện tích mặt nước phá Tam Giang, bà con ngư dân thôn 14, xã Quảng Công tiếp tục tiến hành thả nuôi cá nước lợ vượt lũ.
Đến nay toàn xã đã đưa vào thả nuôi 15 ha cá, chủ yếu là cá chẽm, cá nâu, cá dìa, cá diêu hồng và cá đối cồi. Anh Dũng, ngư dân ở thôn 14 cho biết: “Nuôi cá nước lợ trong mùa mưa bão tuy phải đối mặt với rủi ro do thiên tai nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, gấp 1,5 lần so với nuôi thông thường”.
Để đảm bảo các diện tích cá không bị thiệt hại do thiên tai gây ra, đầu tiên phải gia cố đê đập, vây lưới, chắn mùng và làm rọ khoanh vùng cá nuôi. Ngoài việc phải đẩy mạnh chăm sóc cá để cá lớn nhanh, đủ sức đề kháng khi gặp thiên tai, một điều đáng chú ý nữa là phải thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và môi trường nước trước và sau mưa, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra, anh Dũng cho biết thêm.
Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 10 năm nay, trước mùa mưa bão, anh Dũng luôn tuân thủ nghiêm túc việc triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho trên 1 ha ao nuôi. Đối với các ao cá còn nhỏ, anh đóng cọc cẩn thận và rào lưới cao từ 1 - 1,5 m để bảo vệ cá khi nước lũ tràn qua. Các đê xung yếu đều được gia cố thêm bằng bao cát để phòng chống vỡ đê.
Như anh Dũng, nhiều hộ dân khác ở thôn 14 có diện tích nuôi ở phá Tam Giang cũng đang khẩn trương các biện pháp bảo vệ cá trong mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Cần cho hay: “Gia đình tôi đưa vào thả nuôi 1,2 ha cá mùa lũ, ở đây nuôi cá vượt lũ được là nhờ đã chủ động ao hồ nuôi. Tôi cũng như nhiều người dân khác đã trải qua hơn chục năm nuôi cá vượt lũ nhưng chưa hề thất bại. Một phần nhờ bà con ở đây đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi gặp lũ lụt, mặt khác ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thả nuôi và phòng bệnh…”.
Theo ông Lê Nguyên Sỹ, PCT UBND xã Quảng Công, khâu đảm bảo an toàn hồ ao nuôi trong mùa mưa lũ luôn được đặt lên hàng đầu. UBND xã triển khai cho bà con chủ động kiểm tra và tu bổ lại đê bao đảm bảo chắc chắn để giữ được nước. Ngoài ra, thực hiện gia cố, đóng cọc ở những vùng đê xung yếu; chuẩn bị lưới, đăng chắn xung quanh các ao hồ để không cho cá thoát ra ngoài khi có lũ; khuyến khích các hộ nuôi cá cần bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cá.
Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi cá, ngay những ngày này, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát ao hồ nuôi hướng dẫn các chủ ao hồ nuôi điều tiết nước phù hợp. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao. Khi mưa lũ xảy ra, phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết. Đối với nuôi lồng bè trên sông, trước mùa mưa bão cần gia cố lồng vững chắc, di chuyển đến nơi an toàn, kín gió, có dòng chảy nhẹ đồng thời vệ sinh lồng sạch và thoáng để nước thoát nhanh - ông Sỹ khuyến cáo.