Giảm sút giá trị
Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng khai thác hải sản của Quảng Nam thời gian qua tăng vượt bậc là nhờ thời gian bám biển của ngư dân tăng lên. Tuy nhiên, do thời gian của mỗi chuyến biển kéo dài, trong khi đó điều kiện bảo quản sản phẩm khai thác được còn hạn chế nên giá trị sụt giảm. Theo nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh, do tàu nhỏ, chưa đầu tư hệ thống bảo quản hiệu quả nên sản phẩm giảm chất lượng, các thương lái thu mua với giá thấp. Ông Dương Văn Âu, chủ tàu cá 500CV làm nghề lưới vây ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Để giảm chi phí sản xuất, chúng tôi đã tăng thời gian khai thác ở mỗi chuyến biển. Tuy nhiên, do khai thác dài ngày, hệ thống bảo quản sản phẩm chưa được đầu tư đồng bộ nên chất lượng không cao, thương lái cũng nắm được “điểm yếu” này nên ép giá”.
Do hạn chế về nguồn vốn nên nhiều ngư dân rất khó khăn trong việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, do thiếu thông tin về thị trường nên ngư dân thường bị thiệt thòi khi tiêu thụ sản phẩm. “Đầu tiên là thương lái hạ giá mực khô giảm xuống chỉ còn một nửa so với giá bình thường, rồi các mặt hàng như cá nục, cá ngừ cũng giảm sút giá trị trong thời gian gần đây nhưng chúng tôi không biết lý do. Khai thác trên biển không dễ dàng gì, được nhiều cá mực chúng tôi ai cũng mừng nhưng khi cập cảng thì lo lắng vì không biết giá hải sản có bị o ép hay không” - ông Nguyễn Thúy, chủ tàu lưới vây ở thôn Sâm Linh Đông (Tam Quang) cho biết.
Thời gian bám biển nhiều cũng đồng nghĩa với sự tăng lên của nguy cơ hư hỏng máy móc, tàu thuyền. Nhiều ngư dân cho biết, do phải luôn dành trả các khoản vay khi trước đây đóng tàu tham gia sản xuất nên không sẵn nguồn vốn để sửa chữa tàu thuyền, họ phải vay mượn kinh phí từ các thương lái. Kinh phí đã vay thì phải bán sản phẩm thu được sau khi khai thác. Đây cũng chính là “dịp” để các thương lái ép giá ngư dân.
Hỗ trợ sản xuất
Để tránh bị ép giá, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác được, nhiều ngư dân cho rằng về lâu dài cần triển khai đồng bộ các giải pháp như tổ chức lại các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và phát triển theo hướng thành lập các nghiệp đoàn nghề cá; tăng cường chất lượng dự báo ngư trường; củng cố hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác để hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là kiện toàn các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển với các tiêu chí hỗ trợ đầu tư.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập, mô hình đội tàu với “tàu mẹ, tàu con” bước đầu đã được hình thành. Dù còn nhỏ lẻ, tự phát nhưng mô hình sản xuất này của nghề lưới vây ở xã Tam Quang đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí. Các “tàu con” làm dịch vụ có trang bị hầm đông lạnh, sẵn sàng tiếp nhận hải sản và cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân. Theo đó, hàng hải sản cũng được chuyển vào đất liền nhanh chóng hơn. “Với những thành quả khả quan trong việc tiếp nhận sản phẩm và cung ứng các nhu yếu phẩm khi hoạt động trên biển, mô hình “tàu mẹ, tàu con” là một hoạt động hậu cần quan trọng trong nghề biển của Quảng Nam.
Từ kết quả bước đầu đó, việc chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết kỹ thuật, công nghệ, luật pháp cho chủ tàu và các thuyền viên trên tàu cá, xây dựng và thực hiện các chương trình huấn luyện kỹ năng sơ chế, bảo quản, vận hành và sử dụng thiết bị bảo quản tốt là điều rất cần thiết cho nghề cá chúng ta hiện nay” - ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) nói.
Mới đây, tại TP. Đà Nẵng, chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực miền Trung của chủ tàu Lê Văn Sang đã được hạ thủy. Với công suất lên đến 1.200CV, tàu có thể chứa 5 - 7 nghìn lít dầu, hàng nghìn cây đá lạnh, 20 tấn lương thực, nước uống… và chở được 150 tấn hàng hóa. Với các tính năng như vậy, con tàu có thể đảm bảo cung cấp các điều kiện thiết yếu cho các tàu cá vươn khơi xa, bám ngư trường trong thời gian dài. Tại các địa phương phía Nam, các tàu hậu cần như vậy cũng được đưa vào sử dụng. Đây là các mô hình thực tế để Quảng Nam tham khảo, lắp đặt và thực hiện hiện đại hóa nghề cá của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất của ngư dân.