Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này.
- Sau vụ việc hà nuôi bè bị chết bất thường tại khu vực cửa sông Bắc Luân (phường Trà Cổ, TP Móng Cái), Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra thực tế. Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng này?
+ Ngay khi nắm được thông tin hà nuôi tại Móng Cái bị chết, ngày 2/5, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND TP Móng Cái kiểm tra thực tế, khảo sát dịch tễ ban đầu và tiến hành thu mẫu hà nuôi, mẫu nước, mẫu bùn gửi đơn vị chức năng (Cơ quan thú y vùng II, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) phân tích, xác định rõ nguyên nhân làm cơ sở khuyến cáo các biện pháp khôi phục sản xuất.
Chúng tôi xác định đối tượng hà nuôi tại các cơ sở trên địa bàn TP Móng Cái có tên khoa học là Crassostrea rivularis; số hà bị chết hầu hết đã được thả nuôi từ 13 đến 22 tháng, mật độ thả nuôi 5.000-6.000 dây/bè, mỗi bè có diện tích khoảng 500-700m².
Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở nuôi hà không xuất trình được chứng từ mua bán hợp pháp, giấy kiểm dịch hay chứng nhận chất lượng theo quy định hiện hành; không xuất trình được nhật ký nuôi hà và lưu giữ các giấy tờ có liên quan đến hoạt động nuôi hà.
Theo nghi nhận, hiện tượng hà cửa sông trên địa bàn TP Móng Cái bị chết xuất hiện rải rác từ đầu năm 2019, cao điểm là vào các ngày từ 28/4 đến 1/5, tính đến ngày 3/5, trên địa bàn TP Móng Cái đã có 174/410 bè của 56/94 cơ sở nuôi hà tại các phường Trà Cổ (79 bè, 40 cơ sở), xã Hải Tiến (69 bè, 11 cơ sở), Quảng Nghĩa (26 bè, 05 cơ sở) với tỷ lệ hà chết lên đến 70-80%.
- Ngành chức năng của tỉnh đã xác định được nguyên nhân của tình trạng hà chết này chưa và nguyên nhân đó là gì, thưa ông?
+ Nhận định sơ bộ về nguyên nhân, tại các thời điểm hà chết nhiều đều có hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và không có mưa hoặc ít mưa. Điều này dẫn đến các yếu tố môi trường biến động theo chiều hướng bất lợi, đặc biệt là yếu tố độ mặn môi trường nuôi tăng cao tiệm cận mốc 30‰. Tình trạng này làm giảm sức sống, khả năng bắt mồi, tăng tỷ lệ chết đối với hà nuôi...
Ngoài ra, đa số các cơ sở nuôi hà đều sử dụng con giống không có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm dịch hoặc kiểm tra chất lượng đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định... Điều này dễ nảy sinh bệnh dịch trong quá trình nuôi.
- Sở NN&PTNT đã đề ra biện pháp xử lý thế nào để tình trạng hà chết không lây lan ra khu vực khác và có khuyến cáo gì đến người nuôi?
+ Để tình trạng hà chết không lây lan ra khu vực khác, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương cử cán bộ thường xuyên nắm, cập nhật thông tin về tình hình nuôi và hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật kịp thời cho các cơ sở nuôi hà. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê và cập nhật lại hiện trạng nuôi hà trong địa bàn quản lý; xử lý nghiêm đối với các cơ sở nuôi hà không nằm trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng mặt biển để nuôi trồng thủy sản; không thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Đối với các cơ sở nuôi hà cửa sông cần chú ý các biện pháp kỹ thuật, duy trì mật độ nuôi phù hợp. Tuyệt đối không thả giống vào thời tiết không thuận lợi; thường xuyên quan trắc các yếu tố môi trường, bệnh dịch ảnh hưởng trực tiếp đến hà nuôi.
Trong quá trình nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc hà bị chết, cần báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương. Đồng thời, tổ chức thu gom toàn bộ dây hà, vỏ hà nuôi bị chết lên bờ để xử lý sát khuẩn hoặc chôn lấp theo quy định; không vứt bỏ hà chết ra vùng nước tự nhiên hoặc di chuyển các bè nuôi hà từ khu vực đang có bệnh dịch sang khu vực khác. Tạm thời ngừng thả giống mới khoảng 3 tháng tại các khu vực có phát sinh hiện tượng hà nuôi bị chết để môi trường tự nhiên có thời gian tự điều hòa, khôi phục, làm sạch...
Để giúp người dân sớm khôi phục lại sản xuất, Sở NN&PTNT đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp triệt để khắc phục hiện tượng hà cửa sông nuôi bị chết theo “quy luật” trong thời gian vừa qua.
- Xin cảm ơn ông!