Phát triển nghề nuôi tôm
Tôm được lựa chọn là đối tượng quan trọng hàng đầu trong nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh. Nhằm từng bước đưa các công nghệ mới, tiến bộ khoa học vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh liên tục đề xuất và triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến. Các mô hình/dự án đã nắm bắt xu thế, định hướng sản xuất, chuyển dịch từ phương thức quảng canh cải tiến sang thâm canh, siêu thâm canh; nuôi theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến như công nghệ cơ khí, tự động hóa; chia nhỏ các giai đoạn trong chu kỳ nuôi (đa giai đoạn) nhằm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giải phóng sức lao động, giảm hệ số thức ăn giảm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm ...
Một số mô hình/dự án tiêu biểu: Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm (2018 - 2019); Mô hình ứng dụng chế phẩm EM nuôi tôm thẻ chân trắng (2016); Mô hình ứng dụng máy cho ăn trong nuôi tôm thâm canh (2016); Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ semi biofloc (2017); Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn (2017); Mô hình ứng dụng thiết bị ương di động trong nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn (2019); Dự án xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc (2020 - 2021).
Phát triển nuôi biển
Với chiều dài bờ biển trên 250 km, vùng hải đảo 619km2, trên 20.000 ha eo vịnh và 2.077 hòn đảo lớn nhỏ, có khoảng gần 3.500 ha diện tích chương bãi là điều kiện lý tưởng cho nghề nuôi cá lồng và nuôi nhuyễn thể trên biển. Trong giai đoạn vừa qua, Quảng Ninh cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích nhằm đa dạng đối tượng nuôi, tận dụng diện tích nuôi bãi triều, tận dụng thức ăn sẵn có trong môi trường tự nhiên, nâng cao thu nhập cho nông dân trong các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Trung tâm Khuyến nông đã chuyển giao các quy trình nuôi mới theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thông qua các mô hình/dự án như: Mô hình nuôi ngao Bến Tre thương phẩm tại Đầm Hà (2016); Mô hình chuỗi sản xuất hàu Thái Bình Dương thương phẩm gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm (2020); Dự án Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm ngao giá gắn với tiêu thụ sản phẩm (2020 – 2022); Mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng bằng thức ăn công nghiệp (2017); Mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng vật liệu mới theo hướng công nghiệp (2020).
Phát triển nghề nuôi cá theo hướng công nghiệp
Hướng tác động là khai thác hiệu quả vùng nuôi nội địa, áp dụng các quy trình tiên tiến theo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm… để từng bước hình thành các vùng sản xuất có dòng hàng hóa lớn phục vụ tiêu thụ nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Một số chương trình có thể kể đến: Dự án Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm (2016-2018); Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm theo hướng VietGAP (2016); Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm vụ Thu – Đông (2016); Mô hình nuôi cá Hồng Mỹ trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm (2019); Mô hình xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ, cá chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm (2020); Mô hình nuôi cá tráp vây vàng trong ao bằng thức ăn công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm (2020).
Ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản
Tính đến thời điểm hiện tại, tại Quảng Ninh có 8.460 tàu khai thác thủy sản, trong đó số tàu đã đăng ký hoạt động khai thác vùng khơi có chiều dài 15m trở lên là 240 tàu, nghề lưới chụp xa bờ là 102 tàu. Đội tàu khai thác được trang bị khá hiện đại theo mặt bằng chung cả nước. Trung tâm Khuyến nông cũng đã mạnh dạn đề xuất, triển khai nhiều nội dung theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản (ngư lưới cụ, thiết bị thông tin, ánh sáng, máy dò, tời thu lưới, thu câu, hầm bảo quản…) để hỗ trợ phát triển một số nghề khai thác có hiệu quả, góp phần phát triển các nghề khai thác có tính bền vững, bảo vệ môi trường, nguồn lợi và giảm áp lực khai thác ven bờ, nâng cao thu nhập đồng thời giúp ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Vận hành thử nghiệm hệ thống đèn Led trên tàu anh Đỗ Đăng Thành (Quảng Yên, Quảng Ninh)
Một số chương trình hiệu quả có thể kể đến như: Mô hình lưới rê khai thác mực cho tàu xa bờ (2016); Mô hình thử nghiệm, ứng dụng công nghệ đèn LED cho tàu khai thác hải sản xa bờ (2018); Mô hình thay thế hoàn toàn ánh sáng đèn truyền thống (đèn Siu) bằng đèn Led từ nguồn xã hội hóa công tác khuyến nông (2018 – 2019) với quy mô và nguồn kinh phí lớn nhất và đồng bộ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Từ kết quả thử nghiệm, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh dự án “Ứng dụng công nghệ đèn Led cho tàu khai thác thủy sản xa bờ, giai đoạn 2020 – 2021”.
Khoanh nuôi, bảo tồn nguồn gen sinh học
Song song với nhiệm vụ phát triển sản xuất, từ năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã quan tâm đến một số loài thủy sản đặc hữu, những nguồn gen quý như rươi, sá sùng, ngán… và đang từng bước tác động phù hợp vào điều kiện tự nhiên qua việc giữ gìn điều kiện sinh thái vùng nuôi, tạo sinh cảnh phù hợp, tăng mật độ, bổ sung thức ăn cho vật nuôi, nghiên cứu các hình thức khai thác, sơ chế, chế biến tăng giá trị kinh tế...
Các chương trình tiêu biểu là: Mô hình canh tác rươi có bổ sung rươi giống (năm 2018); Dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh (2020 - 2021).
Thu hoạch rươi tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông đã tham mưu, đề xuất để thực hiện dự án Dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2018 – 2019. Dự án đã có những kết quả ban đầu khả quan, là tiền đề vững chắc cho việc đề xuất giai đoạn 2 nhằm làm giàu nguồn lợi thủy sản tại khu vực Quy hoạch vùng bảo tồn biển theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 19/5 của UBND tỉnh Quang Ninh phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh.
Từ những định hướng của Tỉnh, Ngành trong thời gian qua. Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã có những hành động cụ thể, thiết thực bằng cách làm mới, quyết liệt, mạnh dạn và đã có những kết quả đóng góp vào sự phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh theo hướng bền vững.
Kết quả hoạt động giai đoạn 2016 – 2020 là những bước đầu tiên, sự chuẩn bị kỹ càng, là tiền đề để Trung tâm tham gia tích cực thực hiện Đề án và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.