Theo chân ông Võ Duy Kỷ (62 tuổi), ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cách đánh bắt cá đầy thú vị này trên bờ biển địa phương.
Dụng cụ đi đánh bắt cá của lão ngư này chỉ có một chiếc kính lặn, tấm lưới, một chiếc gậy nhỏ dài tầm 2m. Dĩ nhiên không thể nào thiếu chất tự nhiên làm say cá là hạt lồng mát và túi vải.
Lồng mát sau khi được hái trên núi mang về sẽ được tách hạt và xay nhuyễn hoặc giã nát, bọc trong túi vải và cột chặt trên một đầu của chiếc gậy.
Hạt lồng mát xay nhuyễn.
Lồng mát được bọc trong túi vải.
Người đánh cá vừa lặn xuống biển sẽ dùng gậy có treo túi lồng mát đẩy mạnh xung quanh để tinh chất lồng mát hòa tan trong nước biển. Không chỉ làm cho cá say mà chất cay nồng từ loại hạt này làm cho cá từ trong các hang hốc của các tảng đá vội bơi ra ngoài và mắc vào tấm lưới đã giăng sẵn trước đó khoảng một giờ đồng hồ.
“Trong trái lồng mát có chất cay nồng mà đặc tính của cá là thở bằng mang nên dễ bị say và đuối trong nước”, ông Kỷ nói.
Chỉ sau một giờ ngắn ngủi vất vả lặn ngụp dưới nước, khi lên bờ, trên tay lão ngư này nặng trĩu mẻ lưới đầy cá, với đủ các loại cá như cá mú, cá hồng, cá tà ma... Các loại cá này đều trong tình trạng khó thở, tê liệt dần.
Theo người dân địa phương, đây là nguyên liệu đánh bắt cá khá hữu hiệu. Cá càng to, mang càng lớn, càng dễ bị say. Ngược lại cá nhỏ hay tôm thì khả năng sống cao hơn.
“Đánh cá bằng hình thức này là thú vui tao nhã của ngư dân gần bờ ở đây. Một ngày cũng được vài ký, đủ để tối đến làm vài ly cùng bà con chòm xóm và làm thức ăn cho gia đình. Hôm nào “trúng đậm”, các chị em phụ nữ đem ra chợ kiếm thêm tiền để mua cá, muối”, ông Kỷ chia sẻ.
Khi được hỏi, đánh bắt cá bằng hình thức này có ảnh hưởng đến môi trường, hay sự an toàn của cá bắt được hay không, người dân cho rằng không nguy hại so với cách đánh bắt tận diệt khác vì chất của lồng mát chỉ có tính gây tê liệt thần kinh cho cá ở phạm vi khoảng 5m.
Trong phạm vì này, cá dễ bị đuối nước. Tuy nhiên, nếu môi trường nước mạnh hoặc loãng thì cá vẫn có thể sống lại bình thường. Con người sẽ không bị ảnh hưởng gì khi đánh bắt về ăn.
“Trong khi đó, loại hạt này không được trồng phổ biến, chỉ nằm rải rác trong núi, rừng sâu nên không có số lượng nhiều để người dân đánh bắt qui mô hơn”, ông Võ Hồng Khanh, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đánh cá nói riêng, đánh bắt thủy sản nói chung bằng hình thức dùng chất độc của cây rừng để duốc cá đã có từ xa xưa và đã từng là cách đánh cá khá phổ biến khi khoa học chưa phát triển. Cách thức đánh bắt này một phần nào đó tác động xấu đến môi trường, nhiều nơi khuyến cáo không nên áp dụng rộng rãi.