Nhưng khi tìm hiểu về công nghệ vượt trội của mô hình này, có một chút chạnh lòng vì hầu hết công nghệ đó đều có xuất xứ nước ngoài. Công nghệ áp dụng được giới thiệu là: công nghệ nhà màng của Israrel, hệ thống lọc nước của Mỹ, con giống và thức ăn theo công nghệ vượt trội của Tập đoàn Việt- Úc… Trong khi, “made in Viet Nam” chỉ có “phần cứng” là xi măng làm nền bê tông, xây hồ!
Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp- nhất là nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta, vẫn còn là lỗ hổng rất lớn.
Đối với vùng đất mệnh danh “vựa” lúa- thủy sản- trái cây ĐBSCL, vấn đề cơ giới hóa, chế biến sâu sản phẩm nông sản có nhu cầu rất bức thiết. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ chế biến nông sản gặp khó vì thiếu ngành công nghiệp phụ trợ.
Một doanh nghiệp thủy sản cho biết, xu hướng của thị trường là rất thích hàng giá trị gia tăng (các sản phẩm chế biến sâu, ăn liền). Tuy nhiên, cái khó của việc sản xuất cũng như đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm này là ở Việt Nam không sản xuất được nước sốt, gia vị… phù hợp. Tất cả những sản phẩm phụ trợ để sản xuất hàng giá trị gia tăng đều phải nhập từ Thái Lan.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để phát triển nông nghiệp cần phải đẩy mạnh chế biến sâu, làm hàng giá trị nhưng công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực này chúng ta không có nên rất khó phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát từng nhìn nhận thực tế yếu kém của ngành nông nghiệp là do sản xuất chưa gắn với chế biến, thị trường. Đầu vào của nông nghiệp chưa tự chủ được mà phải phụ thuộc vào nước ngoài với giá cao.