Cá vồ đém hay còn gọi cá tra bần có thịt đặc biệt thơm ngon. "Một loài cá thông minh đáo để" - ngư dân Võ Văn Tần (tức Tư Tần, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cười hào sảng...
"Rốn cá" của dân nghèo
Từ dải uốn lượn đến nhiều doi, vụng nông sâu, sông Cái Lớn, sông Ngang Dừa và sông Nước Trong (ba con sông chảy qua ba tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang) được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho dân nghèo nơi đây một "rốn cá" khổng lồ.
Bám sông mưu sinh gần cả đời người, ông Tư Tần khẳng định Hậu Giang có các vùng đất trầm thủy như Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ... Nhánh sông Cái Lớn và Nước Trong chảy qua địa phận Vị Thủy và Long Mỹ được xem là cửa sông "giáp nước" dài hàng chục kilômet đổ ra Biển Tây. Các bãi chà mé và giề lục bình vừa ấm vừa êm ven sông khiến cá trê, cá lóc, mè vinh, cá cóc, cá thát lát, cá vồ, đặc biệt là cá vồ đém theo dòng Mekong về đây quần tụ rất nhiều.
"Hồi đó, cá khu này nhiều dữ thần thiên địa. Một tay lưới, một mớ câu, tui đi thả, đi cắm chút xíu là dính đầy nhóc. Ăn ngả nào cho hết. Vợ tui mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Lũ về, lên đồng bắt cá. Lũ rút xuống sông thì câu cá vồ. Cứ thế, tui mần nghề 40 năm rồi" - ông Tư Tần tâm sự.
Hiện ngư trường sông Cái Lớn, sông Ngang Dừa, đặc biệt là sông Nước Trong, người dân nếu chịu cất công đi bắt cá vẫn tạm mưu sinh được. Ông Tư Tần nhẩm tính: "Một ngày cũng kiếm nổi 100.000-150.000 đồng, mần thạo có thể hơn. Cần câu cơm tụi tui mà". "Anh Tư Tần nói thiệt bụng đó. Cả xóm này ít ai có ruộng. Con cá giúp dân nghèo tạm sống khuây khuây" - ông Tổng ngồi kế bên góp chuyện.
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, sông Cái Lớn, sông Nước Trong chuyển mình giảm hẳn màu đục phù sa. Ông Tư Tần và bà con trong xóm đi săn cá vồ, cá vồ đém. Từ tháng 5 đến tháng 8, họ lại bắt cá chốt, cá rô, thát lát, mè vinh... Trong đó để bắt cá vồ đém, họ phải sử dụng nhiều chiêu trò độc và biểu diễn kỹ thuật bủa lưới điệu nghệ y như nghệ sĩ xiếc trên sông.
"Phong ấn cá"
Hừng đông một ngày giữa tháng 11, tôi quay lại nhà ông Tư Tần. Mặt sông Cái Lớn lúc này nước lững lờ trôi. Hai chiếc vỏ lãi của ông Tư Tần và anh Khánh lướt phăng phăng. Gió bấc nhè nhẹ. Rẽ đầu doi sông Cái Lớn, ông Tư Tần chỉ: "Chỗ này cho đến sông Nước Trong mấy tay săn cá chạy vỏ lãi suốt. Người ta canh con nước đứng để bắt cá vui như ngày hội".
Đến sông Nước Trong, nơi có nhiều cá vồ, cá vồ đém, ông Tư Tần, anh Khánh chạy vỏ lãi chậm lại. Vừa chạy họ vừa quan sát hai mé sông. "Cá vồ, cá vồ đém sống theo bầy. Hễ cá ục hay lên ngớp ở đâu trên sông là chúng bơi luẩn quẩn ở đó", bằng kinh nghiệm gần 40 năm bắt cá, ông Tư Tần chia sẻ bí quyết quan trọng nhất để tìm luồng cá này...
"Thấy chỗ cá ục rồi. Nước chảy, mành lưới thẳng băng thì khó bắt chúng. Vì thế, tui và chú Tần lủi vô lùm cây hóng mát. Con nước quay đứng một cái, tụi tui quăng lưới liền là dính" - anh Khánh, tay săn cá vồ đém rất cừ trên sông, nói rổn rảng.
Nhiều ngư dân đã ý thức dùng mắt lưới lớn để tránh bắt cá nhỏ - Ảnh: Chí Công.
Hốt bầy cá vồ tinh ranh không dễ. Tuy nhiên, cũng không khó nếu anh Khánh và ông Tư Tần cũng như các ngư dân khác ở địa phương sử dụng chiến thuật "phong ấn cá". Phát hiện luồng cá trên sông, lựa chọn thời điểm thích hợp, họ bố trận vây lưới khoanh tròn một vùng. Sau đó, phần lưới dư còn lại họ giăng "đan cày" xẻ nhỏ chi chít dọc ngang.
"Đâu giống loài cá khác. Bắt cá vồ đém cần phải đấu trí với nó. Mọi thao tác, từ bơi vỏ lãi đến thả lưới, tụi tui làm thật nhẹ nhàng, thật gọn, thật nhanh chỉ trong vòng 5 - 10 phút. Xong, dùng mái chèo đập mạnh trên mặt sông. Cá hoảng loạn bơi sa lưới" - ông Tư Tần nói chắc nịch.
"Cá vồ đém rất khôn. Bắt chúng hôm nay, mai quay lại bắt hổng dính nữa. Động nước, chúng vọt một phát vào tận mé lục bình. Cả ngày lênh đênh trên sông, chỉ giăng lưới một lần. Tụi tui phải thay đổi địa điểm săn cá liên tục. Bữa nay ở sông Cái Lớn, mai lại qua sông Ngang Dừa để tránh làm cá nhát, trốn biệt trong mé lục bình luôn" - anh Khánh chia sẻ.
Nhờ chiến thuật bủa lưới độc đáo và lối săn cá vồ đém theo kiểu "đánh du kích", ngư dân xã Vĩnh Thuận Tây hiếm khi thất bại. Giờ không còn nhiều như xưa, nhưng họ đi thường có cá mang về. Có khi được cả vài con cá vồ đém nặng cỡ vài chục ký. Mỗi lần dính cá, anh Khánh, ông Tư Tần và bất kỳ ngư dân nào ở địa phương cũng xé lưới. Họ muốn giữ cá sống để kịp mang về chợ cá vồ đém (xã Vĩnh Thuận Tây) bán được giá cao.
"Ở đâu ra có cái tên chợ cá vồ đém?" - chúng tôi thắc mắc. Anh Khánh lý giải hàng chục năm qua cứ tới mùa này thì buổi sáng đàn ông chạy vỏ lãi bủa lưới, giăng câu kiếm cá. Chiều thì đàn bà trong xóm lỉnh kỉnh thau, cân ra ngồi bán cá ở chợ xã. "Bán riết người ta quen mặt. Ai tới họ cũng hỏi mua cá vồ đém. Lẽ đó mà chết danh chợ cá vồ" - anh Khánh kể.
Thịt cá vồ đém ở sông thơm ngon, người ta săn đón mua nhiều. Có bao nhiêu cá cũng bán hết. "Nhờ con cá đó mà tụi tui có cơm ăn. Có hộ nuôi con ăn học thành tài. Nhưng bắt cá cũng phải có lựa chọn. Tụi tui chỉ bắt cá vồ lớn. Mắt lưới 3 màn tụi tui thiết kế chỉ dính cá cỡ nửa ký đổ lên. Nhờ đó mà có cá lâu dài" - anh Khánh tâm sự.
Nói chuyện nghề cá truyền đời ở địa phương, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây Bùi Thanh Lạc chia sẻ: "Nghề săn cá vồ đém ở địa phương có từ lâu đời. Hằng năm, chúng tôi vẫn tuyên truyền người dân không dùng những phương tiện đánh bắt cá tận diệt như xung điện, mắt lưới nhỏ để gìn giữ rốn cá tự nhiên của địa phương".