Hiện nay, cá thòi lòi chưa được nuôi phổ biến do nguồn cá giống tự nhiên khan hiếm. Tình trạng khai thác cá thòi lòi làm thực phẩm ngày càng gia tăng, trong khi các nghiên cứu về đặc tính sinh sản của loài cá này còn rất hạn chế, vì vậy có thể dẫn tới nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên. Đây cũng là loài cá bản địa đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau, được ghi vào danh sách bảo tồn và phát triển. Từ những lý do trên, cá thòi lòi thia đã được tiến hành nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo tại Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam sông Hậu (Phân viện NCTS Nam sông Hậu) - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II.
Vật liệu cho nghiên cứu thử nghiệm sinh sản là nguồn cá thòi lòi thia bố mẹ được đánh bắt tại vùng bãi bồi huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nhóm nghiên cứu đã chọn 36 cặp cá có tuyến sinh dục bước vào giai đoạn sinh sản qua nhận diện hình thái và màu sắc của gai sinh dục. Cá được nuôi thuần điều kiện thí nghiệm từ 1- 3 ngày và tiến hành tiêm kích dục tố HCG cho cá đẻ. Sau 2 liều tiêm (liều dẫn chiếm 1/3 tồng liều, liều quyết định bằng 2/3 tổng liều), nếu cá không đẻ tự nhiên sẽ tiến hành vuốt trứng và cho thụ tinh với tinh sào của cá đực. Trứng sau thụ tinh 60 phút cho vào ấp và theo dõi quá trình phát triển của phôi, khi phôi phát triển đến giai đoạn tiền ấu trùng, chuyển tất cả trứng vào môi trường ấp nước có sục khí nhẹ cho trứng nở thành cá bột.
Cá thòi lòi bố mẹ được nuôi thuần và cho sinh sản tại Phân viện NCTS Nam sông Hậu.
Các giai đoạn phát triển phôi và ấu trùng cá thòi lòi thia.
Kết quả thử nghiệm kích thích sinh sản trên 36 cặp cá bố mẹ với kích dục tố HCG, liều tiêm 400-500 IU/kg cho tỉ lệ cá đẻ 100% sau 24 giờ tiêm liều quyết định. Tỉ lệ trứng thụ tinh trung bình 91,49%± 3,1 và tỉ lệ trứng nở là 42,4% ± 2,2. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy cá thòi lòi thia tại vùng bãi bồi Cà Mau có khả năng cho sinh sản nhân tạo như một số loài cá khác.
Nhóm nghiên cứu: ThS. Lê Văn Trúc, ThS. Võ Bích Xoàn, CN. Tiêu Thanh Tươi, ThS. Nguyễn Thanh Hà, KS. Ngô Minh Lý. Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu.