Mô hình nuôi tôm kết hợp với nuôi sò huyết của anh Lê Trường My, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải vừa được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn chọn làm mô hình điểm tổ chức hội thảo tại hiện trường cho bà con nông dân xã Lâm Hải học hỏi.
Với diện tích đất sản xuất 2 ha, sau khi thiết kế và cải tạo vuông nuôi, anh My thả 100.000 con sú giống và 600 kg sò huyết. Tới vụ thu hoạch, trừ các khoản chi phí, anh còn lời gần 150 triệu đồng; trong đó, thu nhập từ sò huyết gần 70 triệu đồng.
Anh Lê Trường My chia sẻ: "Bản thân tôi đã nuôi sò khoảng 4 năm nay. Tôi nhận thấy điều kiện nuôi rất dễ, nhất là mình không cần phải tốn thức ăn. Sò chủ yếu ăn tảo tự nhiên, do đó nên bố trí nuôi sò huyết ở khu vực gần đầu cống là tốt, để lấy nước ra vào, tận dụng được thức ăn”.
Anh Bùi Quốc Lộc, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, có gần 10 năm nuôi sò trong vuông tôm, hầu như vụ nào cũng cho thu hoạch hiệu quả. Đạt được kết quả đó, anh phải nghiên cứu học hỏi và tự mình đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi.
Anh Lộc cho biết: "Nếu ngay mùa thuận, mình thả sò tốn chi phí 20-30 triệu đồng thì thu nhập 40-50 chục triệu đồng, có lúc 100 triệu cũng bình thường. Nuôi sò rất dễ, nhưng phải chọn thả nuôi nơi ít cây rừng, nếu thả nơi có tán cây nhiều thì không đạt hiệu quả cao".
Cũng theo anh Lộc, nhiều năm nuôi sò anh rút kinh nghiệm, thả nuôi sò giống từ tháng 4-6 âm lịch là hiệu quả nhất.
Nuôi sò huyết trong vuông tôm không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, mặt khác còn tạo điều kiện thích hợp cho cua tự nhiên phát triển. Nuôi sò trong vuông tôm đồng vốn bỏ ra 1, lợi nhuận phải từ 2-3, thậm chí nhiều hơn; nếu gặp trường hợp rủi ro vẫn thu hồi lại vốn.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẩn cho biết, thời gian gần đây, ngoài chú trọng nuôi 2 đối tượng chủ lực và cũng là mặt hàng chính theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là tôm và cua, nông dân trong huyện Năm Căn còn nuôi thêm sò huyết. Thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này ở điều kiện thích hợp, đồng thời liên kết thành chuỗi hợp tác sản xuất hoặc thành lập hợp tác xã nuôi sò huyết, nhằm tranh thủ sự đầu tư về vốn của các ngân hàng, đồng thời tạo điều kiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra sẽ ổn định hơn.
"Tuy nhiên, khó khăn là nếu mô hình này phát triển mạnh, sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn sò giống tự nhiên hoặc chất lượng không đảm bảo. Khi ấy rất cần các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất ra con giống chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân", ông Duẩn kiến nghị.