Cua biển có tên tiếng Anh là mud crab, green crab, hay mangrove crab; tên tiếng Việt gọi là cua biển, cua sú, cua xanh, cua bùn. Cua biển là món hải sản ngon và giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là đạm và canxi. Trong những năm gần đây mô hình nuôi cua biển quãng canh cải tiến kết hợp tôm sú - cua - cá để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người nuôi nên ngày càng được ưa chuộng hơn.
Việc sản xuất giống cua biển cũng được phát triển nhanh và tập trung ở 3 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Việc sản xuất giống cua biển thành công, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: môi trường nước, nguồn cua bố mẹ, chất lượng ấu trùng và chất lượng thức ăn. Trần Minh Nhứt và ctv. (2010) cho rằng ương ấu trùng cua biển với hai giai đoạn (ương từ zoae 1 – zoae 5 và zoae 5 đến cua 1) với các mật độ và khẩu phần thức ăn khác nhau thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống. Theo Vutthichai and Norhasmariza (2016), ấu trùng ghẹ xanh được cho ăn với số lần khác nhau (2, 4 và 6 lần/ngày) thì không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống từ giai đoạn zoae 1- ghẹ 1. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất giống cua biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, ấu trùng cua được cho ăn mỗi ngày dao động từ 4-8 lần và tỷ lệ sống dao động tương đối lớn (Trần Ngọc Hải và Nguyễn Thanh Phương, 2009; Trần Ngọc Hải và ctv., 2018).
Xuất phát từ các vấn đề trên, nghiên cứu ảnh hưởng của số lần cho ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển được thực hiện nhằm xác định số lần cho ăn phù hợp, góp phần hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất giống cua biển.
Phương pháp thí nghiệm
Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức với số lần cho ăn khác nhau:
(i) cho ăn 4 lần/ngày (6h, 12h, 18h và 24h)
(ii) cho ăn 6 lần/ngày (2h, 6h, 10h, 14h, 18h, 22h)
(iii) cho ăn 8 lần/ngày (3h, 6h, 9h, 12h, 15h, 18h, 21h và 24h).
Ấu trùng được ương theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (ương từ zoae 1 đến zoae 4): bể ương có thể tích 120 L, nước ương có độ mặn 30‰ và mật độ ương 450 con/L.
Giai đoạn 2 (ương từ zoae 4 đến cua 1): bể ương có thể 500 L (chứa 300 L nước) và nước có độ mặn 30‰. Tổng thời gian ương của cả 2 giai đoạn là 26 ngày.
Giai đoạn zoae 1-zoae 4: ấu trùng được cho ăn Artemia bung dù với lượng 8-28 g/m3 /ngày. Khi ấu trùng đến giai đoạn zoae 3 thì bổ sung thức ăn 1 lần/ngày (hàm lượng protein ≥ 48%), với lượng thức ăn là 1-2 g/m3 /ngày. Giai đoạn zoae 4 đến megalop: ấu trùng được cho ăn Artemia nở với lượng 24 – 32 g/m3 /ngày và bổ sung thức ăn với liều lượng 2-4 g/m3 /ngày. Giai đoạn megalopa đến cua 1 chỉ cho ăn thức ăn với lượng 8-12 g/m3/ngày. Khi ấu trùng chuyển hoàn toàn sang megalop, giá thể lưới được bố trí vào bể ương (cỡ mắt lưới là 4 mm), với lượng giá thể là 1 m2 /bể.
Kết quả
Trong quá trình ương cua nhiệt độ và pH không biến động nhiều và nằm trong khoảng thích hợp cho sinh trưởng và phát triển cua.
Hàm lượng TAN của các nghiệm thức tăng dần theo thời gian thí nghiệm và dao động từ 0,4-2,5 mg/L, cao nhất là ngày thứ 18 (2,5 mg/L) và thấp nhất là ngày thứ 3 (0,4 mg/L). Khi ương ấu trùng cua biển thay thế Artemia bằng thức ăn nhân tạo, hàm lượng TAN trong các nghiệm thức sẻ tăng cao tuy nhiên ấu trùng vẫn phát triển tốt. Tương tự, hàm lượng nitrite cũng tăng qua các ngày ương giữa các nghiệm thức dao động từ 0,3- 4,5 mg/L và tăng cao vào lúc gần thu hoạch nên ảnh hưởng không lớn đến sự phát triển của ấu trùng.
Sau 12 ngày ương (ấu trùng ở giai đoạn zoae 4) thì tiến hành chuyển sang bể 500L (chứa 300L nước). Tỷ lệ sống đạt từ 42,9 – 51,0% nhưng không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức. Sau 26 ngày ương, tỷ lệ chuyển cua 1 ở các nghiệm thức là 100% và chỉ số biến thái của ấu trùng ở các nghiệm thức khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Bên cạnh đó, tỷ lệ sống từ giai đoạn zoae 1 đến cua 1 đạt từ 2,6 – 3,0 %. Qua nghiên cứu thấy được số lần cho ăn khác nhau không ảnh hưởng đến tăng trưởng về chiều dài và chỉ số biến thái của ấu trùng cua biển. Khi ương ấu trùng cho ăn với số lần khác nhau (4, 6 và 8 lần/ngày) thì tỷ lệ sống của cua dao động từ 2,6-3,0% và khác biệt không ý nghĩa giữa các nghiệm thức.
Trong sản xuất cua biển, có thể cho ăn 4 lần/ngày nhằm làm giảm khâu chăm sóc và quản lý.
Theo Lê Quốc Việt và Trần Ngọc Hải