Bên cạnh những thành tựu đạt, thì người nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, việc sử dụng thuốc, hóa chất, đặc biệt là thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng tôm thương phẩm. Những rào cản kỹ thuật về kiểm tra hóa chất, kháng sinh đang gây khó khăn cho sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Do vậy, việc nâng cao nhận thức trong sử dụng thuốc, hóa chất độc hại cấm sử dụng trong giai đoạn cải tạo ao nuôi tôm là rất cần thiết, nhằm góp phần cải tạo môi trường ao nuôi trước khi thả giống, vừa nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm cho mặt hàng xuất khẩu và hướng nghề nuôi tôm nước lợ phát triển an toàn, bền vững.
Nếu như năm 2013 sản lượng tôm nuôi đạt trên 68.000 tấn thì lượng thức ăn đưa xuống ao nuôi trên 70.000 tấn; Với 20.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì lượng vôi đưa xuống ao nuôi tương đương 150.000 tấn, chưa kế lượng thuốc, hóa chất trong quá trình chăm sóc. Chính lượng thức ăn, vôi, thuốc, hóa chất được người nuôi tôm đưa xuống ao nuôi suốt thời gian dài đã làm lão hóa ao nuôi, vùng nuôi một cách nhanh chóng.
Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm nước lợ gần 48.000 ha, trong đó trên 30.000 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh, nhất là xu thế nuôi tôm thẻ chân trắng đang tăng lên gây áp lực lớn đối với môi trường ao nuôi, vùng nuôi. Ngành Nông Nghiệp tập trung khuyến cáo người nuôi tôm không được sử dụng thuốc, hóa chất có các hoạt chất cấm như: Chloramphenicol, Trifluraline, Ethoxyquin, Enroxacin, Furazolidone… vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm.
Trong tháng 3 này, Ngành Nông Nghiệp đã triển khai nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền cho người nuôi tôm ý thức cao hơn trong việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, đặc biệt là hóa chất cấm lưu hành hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi tôm nước lợ.
Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Thanh Tra Sở nông nghiệp và phát triền nông thôn, thanh tra liên ngành triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y nuôi thủy sản và đề nghị các cơ sở niêm yết danh sách thuốc cấp lưu hành, hạn chế sử dụng để bảo vệ người nuôi tôm, bảo vệ thương hiệu tôm thương phẩm. Thực trạng việc mua bán, sử dụng thuốc cấm sử dụng, hạn chế sử dụng, hoặc cả việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác, xử lý ao nuôi bị thiệt hại vẫn chưa được người nuôi tôm thực hiện tốt. Bà con phải nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ao nuôi, xác định đúng hoạt tính của hóa chất khi sử dụng và góp sức tố giác những hành vi mua bán thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc.
Hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản bằng các biện pháp nuôi an toàn sinh học, thực hiện các hình thức lắng lọc nước đưa vào ao nuôi, nuôi cá rô phi để xử lý nước đang được ngành chuyên môn khuyến cáo áp dụng. Hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất chủ yếu để phòng ngừa, còn thuốc, hóa chất không có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tôm.
Nuôi tôm đã khó, việc đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm cũng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ giá trị mặt hàng này. Trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại diễn ra phức tạp, việc giảm áp lực môi trường ao nuôi, vùng nuôi do sử dụng thuốc, hóa chất đối với vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh qua nhiều năm nuôi liên tiếp, đã nhanh chóng làm lão hóa môi trường ao nuôi là điều khó tránh khỏi. Ngành Nông Nghiệp Sóc Trăng luôn khuyến cáo bà con thận trọng trong việc sử dụng thuốc, hóa chất an toàn để bảo vệ môi trường ao nuôi và giữ cho tôm nuôi đảm bảo các yêu cầu chất lượng, bởi làm được như vậy cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho chính người nuôi tôm.