“Người nuôi tôm tham gia cuộc chơi, cần phải tuân thủ luật chơi, nếu không sẽ tự đào thải mình. Đây là cuộc chơi tầm quốc tế, đã đến lúc người nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng bỏ qua tư duy việc ghi chép trong nuôi tôm là rườm rà, khó khăn”.
Đó là thông điệp kêu gọi của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng gửi tới người nuôi tôm trên địa bàn trong các buổi đối thoại, hội thảo, tập huấn.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tình hình nuôi và thu hoạch tôm tại tỉnh Sóc Trăng đang diễn biến thuận lợi. Hiện nay, tổng diện tích thả nuôi trên toàn tỉnh đạt gần 33.000 ha. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh đã làm diện tích tôm thiệt hại trên 3.600 ha, chiếm 11,2% diện tích thả.
Thời tiết ở Sóc Trăng đã bước vào mùa mưa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không còn quá lớn. Các dịch bệnh trên tôm như hoại tử gan tụy, đốm trắng, phân trắng đang được ngành nông nghiệp cùng với người dân ứng phó, điều trị khá tốt.
Nếu tình hình thời tiết, thiệt hại và dịch bệnh trên tôm tiếp tục diễn biến như hiện nay, vào cuối tháng 7/2017 có thể khẳng định, vụ nuôi tôm năm nay của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thành công như năm 2016.
Để việc nuôi tôm thành công và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến khích mỗi hộ nuôi tôm phải ghi chép quá trình nuôi, đăng ký và khai báo dịch bệnh. Việc ghi chép sẽ giúp người nuôi tôm giảm giá thành sản xuất trong việc loại bỏ các khoản mục không cần chi, ghi chép kinh nghiệm thành công để áp dụng cho đợt sau.
Đồng thời, việc ghi chép cũng chính là hồ sơ minh chứng với đối tác xuất khẩu về việc người nuôi nuôi công khai minh bạch, có xuất xứ, có trách nhiệm với môi trường, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm.
Ngoài việc khuyến khích người nuôi ghi chép, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện công tác truy nguồn gốc sản phẩm và quản lý mã số vùng nuôi tôm.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo người dân thực hiện nhất quán 5 phương châm lớn trong nuôi tôm gồm: nuôi nước trước nuôi tôm, ổn định sản xuất để đầu tư quy hoạch cụ thể, không mở rộng tràn lan; tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thành công trong vụ nuôi tôm năm 2016 và học hỏi, tiếp thu có chọn lọc các mô hình áp dụng hiệu quả ở các tỉnh, thành khác.
Ngoài ra, tổ chức sản xuất ngành tôm, chú trọng và tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Tăng cường liên kết chuỗi giá trị tôm để nâng cao giá trị sản phẩm như mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.