Đến bản Cang, xã Nậm Lạnh, ao cá của gia đình ông Quàng Văn Uối, rộng hơn 1.500m2 có rất đông bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Được biết, gia đinh ông hàng năm đều đầu tư mua nhiều cá giống về nuôi, nhưng không biết nhiều về kỹ thuật nên cá thường mắc dịch, còi cọc, sản lượng không cao. Mỗi năm gia đình chỉ thu được từ hơn 1 tạ cá thịt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.
Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là kỹ thuật cải tạo ao, như: trước khi thả cá phải vét sạch bùn ở đáy ao, rải vôi bội với liều lượng 7kg/100m2 và phơi đáy ao ít nhất 3 ngày; khi lấy nước vào ao phải bố trí lưới lọc để ngăn rác bẩn, cá dữ, cá tạp xâm nhập; bón phân chuồng ủ với liều lượng 15kg/100m2 để gây màu nước và tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Bên cạnh thức ăn dạng tinh bột, phải thường xuyên cho cá ăn rau, cỏ tươi…
Ông Quàng Văn Uối cho biết: Sau 1 năm tham gia mô hình, gia đình tôi thu hoạch được 2,3 tấn cá thịt, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng. Mô hình khuyến nông nhân rộng nuôi cá ở bản giúp nhiều hộ hướng phát triển kinh tế mới, giúp tăng thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Triển khai thực hiện từ năm 2009, mô hình khuyến nông nhân rộng nuôi cá hệ VAC tại xã Nậm Lạnh có mục tiêu: chuyển giao cho người dân trên địa bàn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi thả xen ghép ở các tầng nước khác nhau các loại cá trắm, trôi, mè, nhằm tăng năng suất, nâng hiệu suất sử dụng diện tích mặt nước ao, hồ trên địa bàn. Với tổng mức đầu tư trên 300 triệu đồng, mô hình triển khai trên diện tích 1,5ha với sự tham của 30 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn, số lượng cá thả nuôi trên 30.000 con. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% cá giống, thức ăn tinh (cám hỗn hợp); thuốc phòng, chống bệnh cho cá… Mô hình đã mở ra một hướng mới trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Ông Ngọ Quang Tiến, trưởng Trạm Khuyến nông Sốp Cộp cho biết: Trước khi nuôi thả, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật cơ bản về nuôi cá ao như kỹ thuật cải tạo ao, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước, đặc điểm sinh học của từng loại cá nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tỷ lệ thả ghép, cách phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá, phương pháp thu hoạch đảm bảo chất lượng cá thương phẩm…
Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông Sốp Cộp luôn bám sát cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia dự án triển khai các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Đặc biệt, Trạm đã tổ chức 2 lần hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình nuôi cá. Do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Từ khi mô hình nuôi cá hệ VAC ở xã Nậm Lạnh có hiệu quả, năm 2012 diện tích ao trên địa bàn tăng 1,7 lần so với năm 2009. Nhiều hộ trên địa bàn có thu nhập từ nuôi cá đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Với những kết quả đạt được của Nậm Lạnh, hiện nay huyện Sốp Cộp tiếp tục khảo sát, mở rộng mô hình nuôi cá hệ VAC tại những vùng có điều kiện tự nhiên, có nhiều thuận lợi về nguồn nước, thức ăn có sẵn tại địa phương như ngô, sắn, cỏ trồng... nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững.