Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (24-5), ông Lê Xuân Thái, Phó Trưởng ban Quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực Miền Nam thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo quy định trong Luật Điện lực, sự cố đường dây 500 kV vừa qua là khách quan, bất khả kháng, nên rất khó buộc EVN phải bồi thường thiệt hại.
Theo ông Thái, EVN chỉ bồi thường trong trường hợp sự cố chủ quan, lỗi vận hành ngành điện, chẳng hạn như ngành điện tự thao tác cắt điện mà không báo cho khách hàng biết trước.
Trả lời về tính an toàn của các đường dây 500 kV hiện nay mà theo dư luận là khá mong manh, nhiều khả năng bị xâm hại, gây mất điện trên diện rộng bất cứ lúc nào, ông Thái cho biết đường dây 500 kV kéo dài cả nước nên người của điện lực không thể rải khắp để canh giữ, nếu tổ chức được lực lượng canh giữ thì chi phí cũng rất lớn.
Do vậy, quan trọng nhất là cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ lưới điện, an toàn lưới điện phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Nếu người dân cứ thi công, xây cất dưới hành lang an toàn lưới điện thì rất khó đảm bảo an toàn lưới điện, ông Thái cho hay.
Trước đó, ngay sau khi sự cố mất điện trên diện rộng kéo dài chiều 22-5 vừa qua, doanh nghiệp nhiều ngành sản xuất đã “than trời” vì thiệt hại nhiều, các ngành như nhựa, sợi, gỗ, linh kiện điện tử xuất khẩu bị thiệt hại rất nặng nề... Tuy nhiên, đến nay sau khi biết được thông tin đây là sự cố bất khả kháng, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra thông cảm với EVN.
Nếu trước đây mỗi khi bị cắt điện, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, TPHCM phản ứng dữ dội, thậm chí làm đơn liệt kê thiệt hại đòi ngành điện bồi thường, thì hiện nay tình hình đó không xảy ra. Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (24-5), ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng giám đốc Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết từ hôm qua đến nay vẫn chưa thấy có doanh nghiệp nào gọi điện phản ứng gì, bộ phận chăm sóc khách hàng gọi điện thoại hỏi thăm thì các doanh nghiệp đều nói lần này cúp điện có thể ngoài tầm kiểm soát của EVN nên có thể thông cảm.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Ban Quản lý khu chế xuất Tân Thuận, nhiều công ty trong khu chế xuất phải cho công nhân nghỉ về nhà sớm do cúp điện kéo dài vào chiều ngày 22-5 vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Phong thì hiện nay ban quản lý khu chế xuất không nhận phản ứng nào phản ánh thiệt hại từ phía các doanh nghiệp sản xuất trong khu, một phần có thể là do doanh nghiệp nắm được thông tin về sự cố xảy ra quá lớn, ngoài tầm kiểm soát của ngành điện.