Điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho biết chủ nhân của lô hàng trên đã mua sữa ong chúa, vi cá mập, cùng nhiều loại thực phẩm chức năng khác từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn về đóng gói và dán nhãn xuất xứ từ Úc, Nhật, Mỹ… rồi tuồn ra thị trường.
Theo TS.DS Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú; Trung ương hội Đông y Việt Nam, những sản phẩm này có chứa chất độc hại hay không thì phải đợi kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, tuy nhiên với những thông tin gần đây mà truyền thông Trung Quốc đăng tải thì quả đáng lo cho người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã phát hiện vi cá mập bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hoá chất khác, có chứa dư lượng kim loại độc hại như thuỷ ngân, cadmium…; chọn ngẫu nhiên mười mẫu vi cá mập đi kiểm tra đã không tìm ra thành phần vi cá mập nào! Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, ăn phải những vi cá mập giả này có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não, hệ thần kinh thai nhi... Sữa ong chúa cũng đã bị phát hiện có pha thêm sữa bò, bột mì, phấn hoa, chất tạo màu nhằm tăng khối lượng sản phẩm. “Do các chế phẩm này không phải là dược phẩm nên chúng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thuốc, bất cứ ai cũng có thể tìm mua và vì vậy nguy cơ mua phải hàng giả là rất cao”, DS Hồng Anh nói.
Hàng thật cũng lắm nguy cơ
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược lâm sàng, khoa dược đại học Y dược TP.HCM cho biết, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy vi cá mập chữa trị hoặc phòng ngừa được một loại bệnh ung thư nào đó. Nhiều nghiên cứu còn phát hiện vi cá mập có thể chứa hàm lượng cao methylmercury – là hợp chất thuỷ ngân có hại cho sức khoẻ con người. Mới đây, giới khoa học Mỹ lên tiếng cảnh báo vi cá mập chứa độc tố thần kinh có tên hoá học là beta-n-methylamino-L-alanin… DS Đức lưu ý: “Hàm lượng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm của vi cá mập chỉ tương đương trứng và các loại thịt khác. Còn lời đồn đại vi cá mập chữa ung thư đã dựa vào một chứng cứ không mang tính khoa học rằng “cá mập không bao giờ bị ung thư”. Các nhà khoa học ở đại học George Wasllingtorl của Mỹ từng công bố phát hiện 40 loại ung thư ở cá mập, thậm chí nhiều khối ung thư xuất hiện ngay trong mô sụn...”
Đối với sữa ong chúa, theo DS Hồng Anh, phần lớn các công dụng bổ dưỡng, chống oxy hoá tế bào, trị bệnh mỡ máu cao, yếu sinh lý, tiểu đường, tim mạch… đều mới dừng lại ở công bố nghiên cứu cá nhân, chưa phải cứ liệu y văn. Cần có nhiều nghiên cứu khoa học nữa để xác định tác dụng trị bệnh của sữa ong chúa. “Điều cần lưu ý là ong lấy phấn từ nhiều loại hoa khác nhau và nhiều người có thể đã bị dị ứng với các thành phần phấn hoa này. Do đó sử dụng sữa ong chúa có thể bị dị ứng cơ địa như nổi ngứa trên da, hen khó thở, viêm xuất huyết dạ dày… hoặc sốc phản vệ trầm trọng, đôi khi tử vong. Nếu có nhu cầu sử dụng nên tham khảo trước ý kiến của thầy thuốc”, DS Hồng Anh khuyến cáo.
Đừng cả tin vào thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng chỉ có tính chất hỗ trợ tăng cường sức khoẻ, hoàn toàn không phải là thuốc. Đừng cả tin vào hiệu quả của thực phẩm chức năng như quảng cáo rồi áp dụng cho bản thân vì mỗi cơ thể mỗi khác. Trước khi chọn mua thực phẩm chức năng, cần xem kỹ sản phẩm có dán nhãn thành phần và hàm lượng không; thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn trong thực phẩm hay do bổ sung, hàm lượng bao nhiêu, dạng bổ sung có giá trị sinh học thế nào, có dễ hấp thu và chuyển hoá, đặc điểm dinh dưỡng của thành phần trên sản phẩm có phù hợp sức khoẻ bản thân; hiệu quả sản phẩm có được chứng minh khoa học; công ty sản xuất có đáng tin cậy; giá cả có tương xứng với giá trị sản phẩm? Trường hợp có nhiều nghi vấn thì nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm trước khi sử dụng. Dù gì đi nữa cũng không quá lạm dụng thực phẩm chức năng và đặt trọn niềm tin vào loại thực phẩm này với mong muốn đẹp da, giảm cân, chống lão hoá, trị khỏi ung thư, tim mạch, đái tháo đường… mà không có chế độ ăn uống cũng như nếp sinh hoạt phù hợp.
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM