Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, số tôm nuôi toàn tỉnh bị thiệt hại do dịch bệnh gần 319 triệu con với diện tích hơn 700ha (chiếm 12,7% diện tích thả nuôi toàn tỉnh), phát sinh trên các địa bàn thuộc huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh ghi nhận, tôm nuôi thiệt hại thường từ 25 - 50 ngày tuổi, nguyên nhân do nhiễm một số bệnh thường gặp như: Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đường ruột. Trong đó, tỷ lệ thiệt hại do bệnh đốm trắng chiếm khoảng 31%, bệnh đường ruột chiếm gần 21%, hoại tử gan tụy cấp chiếm gần 25% và do môi trường chiếm 11,5%.
Theo các chuyên gia, do thời tiết nắng nóng kèm theo các trận mưa đột ngột, khiến môi trường ao nuôi thường xuyên biến động dẫn đến các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... phát triển là nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh. Người nuôi nên chủ động phòng, trị để tránh để tránh thiệt hại về kinh tế.
Ông Nguyễn Công Thức, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh) khuyến cáo: Bà con nuôi tôm nên duy trì mực nước từ 1-2m trở lên để giúp môi trường ao nuôi được ổn định. Đồng thời người nuôi nên tăng cường chạy quạt sục khí để tránh hiện tượng phân tầng nước, làm giảm các tác nhân gây bệnh trên tôm.
Bên cạnh đó, hộ nuôi nên cho tôm ăn vừa đủ bởi thức ăn thừa làm ô nhiễm nước ao, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển. Ngoài ra trong quá trình nuôi vào mùa nắng bà con nên duy trì các loại tảo có lợi cho ao tôm.
Chủ ao cũng nên sử dụng các loại canxi, bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn cho tôm cũng như là các loại khoáng chất cần thiết để giúp con tôm tăng sức đề kháng và chống chịu thời tiết nắng nóng gay gắt kèm những cơn mưa đột ngột như hiện nay.
Chuyên gia khuyến cáo người nuôi nên tăng cường chạy quạt, nhất là thời điểm nắng nóng để phòng bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: Tép Bạc
Để chủ động phòng bệnh trên tôm nuôi giảm thiệt hại cho nông dân, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh đã chủ động kết hợp với địa phương kiểm tra thực tế tại các vùng nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm.
Hướng dẫn hộ nuôi có tôm đang nhiễm bệnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, khuyến cáo hộ nuôi vụ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Quản lý tốt môi trường ao nuôi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất cho tôm.
Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện công tác kiểm dịch tôm giống còn hạn chế bởi các lô hàng thủy sản nhập tỉnh đa số không trình phúc kiểm tại các trạm kiểm dịch.
Các cơ sở kinh doanh, vận chuyển tôm giống còn tư tưởng đối phó, khi có đoàn kiểm tra liên ngành đến mới thực hiện phúc kiểm. Cùng với đó giá đầu ra lao dốc ảnh hưởng đến tâm lý chủ ao trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay nông dân tỉnh Trà Vinh được hỗ trợ 102 tấn hóa chất cho người nuôi tôm trong tỉnh dập dịch. Ảnh: Tép Bạc
Cũng theo Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, bên cạnh hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật xử lý dịch bệnh cho các hộ nuôi tôm, từ đầu năm đến nay Chi cục đã mở 24 lớp tuyên truyền phòng chống dịch cho các hộ nuôi trên địa bàn các huyện. Đồng thời Chi cục cử cán bộ đến thu mẫu tại các hộ, các vùng nuôi tôm xảy ra dịch bệnh để phân tích mẫu.
Qua đó đã phát hiện mẫu bệnh để xử lý dập dịch kịp thời tránh thiệt hại đáng tiếc cho người nuôi. Cán bộ thú y cũng tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình bệnh trên tôm, theo từng đối tượng cụ thể, tiến hành khoanh vùng dịch bệnh thu mẫu tôm có dấu hiệu bệnh, phân tích xác định nguyên nhân và cảnh báo mầm bệnh đạt 40% kế hoạch năm.
Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh thông tin, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời điểm này không có lãi bởi giá tôm dao động từ 112.000 - 120.000 đồng/kg (size 30 con/kg), trung bình giảm từ 60.000 -70.000 đồng/kg so với năm trước, do đó nông dân phải tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh xin hỗ trợ 102 tấn chlorine từ nguồn dự trữ trung ương và đã cấp, phát cho người nuôi tôm trên địa bàn các huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Châu Thành để xử lý nguồn nước phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay, đã khống chế được cơ bản dịch bệnh, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho hộ nuôi tôm.