Cơ quan hữu quan kiểm tra tình hình bệnh trên tôm sú ở huyện Thới Bình, Cà Mau - Ảnh: Đông Triều
Đi dọc các vùng chuyên nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau, rất nhiều ao đầm bỏ trống, người nuôi “nhát giò” chưa dám đầu tư tiếp, một số chỉ thả nuôi cầm chừng cầu may, còn lại thuộc diện thiếu vốn tái sản xuất do liên tục trắng tay vì tôm chết...
Treo ao
Năm 2011, 17 ao tôm của gia đình anh Trần Văn Chính (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) không thu hoạch được con tôm nào, lỗ hơn 300 triệu đồng. Nghi ngờ đất bị nhiễm độc nên vợ chồng anh Chính dắt díu con cái qua ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) thuê hơn 2ha đất đào sáu đầm tôm công nghiệp. Dù ao đầm, nước nôi... đã chuẩn bị xong nhưng đến đầu tháng 6 vừa qua, anh Chính chỉ dám thả nuôi 2/6 ao tôm đã chuẩn bị. “Mấy tháng đầu năm, dân vùng này thả tôm phần lớn bị chết nên tui cũng ớn, chờ dịch bệnh lắng xuống rồi thả cầm chừng cầu may” - anh Chính cho hay.
Anh Chính là một trong số ít hộ nuôi công nghiệp may mắn ở vùng này khi đầu vụ nuôi tới nay chưa gặp rủi ro trong nghề. Theo ông Trần Minh Trung - chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, đơn vị có diện tích nuôi tôm lớn nhất của huyện Hòa Bình (với trên 3.000ha đất nuôi trồng thủy sản), diện tích thả nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đầu vụ tôm 2012 tới nay là gần 1.600ha nhưng trên 723ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Cũng theo ông Trung, tình trạng tôm chết liên tục đẩy nhiều hộ dân của xã vào tình cảnh suy kiệt, cùng cực về tài chính, nhiều hộ không có khả năng tái sản xuất vì phần lớn bằng khoán đất của hộ dân đã thế chấp ngân hàng vay vốn nuôi tôm, chưa có khả năng chuộc lại. “Tính sơ bộ, tổng dư nợ vay nuôi tôm của hộ dân trên địa bàn xã đã ngoài 50 tỉ đồng nhưng trên 40% thuộc dạng nợ xấu, nợ khó đòi” - ông Trung nói.
Không chỉ nông dân mà nhiều “đại gia” nuôi tôm sú thuộc dạng trang trại cũng đang lâm tình cảnh “thở không ra hơi”. Tại trang trại nuôi tôm sú sạch của “vua” tôm Võ Hồng Ngoãn - Sáu Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), hàng chục đầm nuôi công nghiệp của ông đang cảnh “treo ao”, quạt nước được ông Sáu mang vô cất trong nhà.
Số liệu từ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, sáu tháng đầu năm 2012 tỉnh này có hơn 10.000ha tôm chết (cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Trong đó, hơn 4.600ha bị thiệt hại trên 50%, riêng mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại gần như hoàn toàn, uớc tính thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Còn theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, có hơn 11.649ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm gần 40% diện tích thả nuôi.
Khó chồng khó
Đáng nói là trong khi các hộ nuôi gặp khó khăn vì gặp cảnh tôm chết, thất mùa thì giá tôm nguyên liệu tiếp tục giảm sút.
Tại Cà Mau, giá sàn tôm sú nguyên liệu được cơ quan chức năng tỉnh này tổng hợp tại thời điểm ngày 11-7: tôm sú loại 20 con giá 200.000 đồng/kg, 30 con giá 125.000 đồng/kg... Riêng tôm thẻ chân trắng hiện chỉ còn 75.000 đồng/kg. Mức giá nêu trên cũng chênh lệch không nhiều so với giá tôm thương phẩm tại Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Nuôi thất mùa, mặt bằng giá sụt mạnh đẩy người nuôi lâm cảnh khốn khó. Càng nghiệt ngã hơn khi gần đây thương lái câu kết với một số công ty thức ăn, thuốc thú y thủy sản ép giá mua tôm của người nuôi thấp hơn giá thị trường.
Ông Tiết Tiến Dũng - chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau - cho biết qua xác minh cơ quan này xác định thương lái có sự hậu thuẫn của một số công ty thuốc, thức ăn thủy sản lợi dụng thông tin Nhật Bản tăng cường kiểm tra chất ethoxyquin (loại chất bảo quản chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản) để lừa một số nông dân thiếu hiểu biết. Họ lấy mẫu tôm sú đi xét nghiệm, nói tôm bị nhiễm bệnh, kháng sinh... rồi mua thấp hơn giá ngoài thị trường 15.000-20.000 đồng/kg. “Chúng tôi đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Cà Mau đăng thông tin rộng rãi và phối hợp các ngành hữu quan kiểm tra, kiên quyết xử lý những thương lái sử dụng thủ đoạn nêu trên” - ông Dũng nói.
Đề xuất mua tạm trữ tôm cho nông dân
Ông Ngô Văn Nga - phó chủ tịch Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau - cho biết tôm trong nước bị dịch bệnh, chết liên miên khiến nhà máy thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu tôm sú Ấn Độ và tôm thẻ Thái Lan mới đảm bảo đủ nguồn hàng chế biến, duy trì việc làm thường xuyên cho công nhân và người lao động (Thái Lan và Ấn Độ là hai quốc gia có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú lớn trúng đậm vụ nuôi).
Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu tính luôn tiền thuế so ra còn thấp hơn giá tôm nội địa hiện hành. “Giá nhập khẩu thấp như vậy thì giá tôm nội địa chúng tôi không thể mua cao hơn vì giá đầu ra sẽ không cạnh tranh được với công ty chế biến xuất khẩu các nước khác. Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi không thể làm khác hơn” - ông Nga nói.