Cơ hội nuôi tôm sạch
Hai chàng trai là Lê Quốc Dương và Võ Minh Tâm cùng 25 tuổi, đang làm việc tại UBND xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, Bến Tre) đã chế thành công phân bò bằng phương pháp vermicompost để phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm sạch.
Anh Lê Quốc Dương cho biết, phân bò ủ sinh học bằng phương pháp vermicompost sẽ tạo ra loại phân giàu chất dinh dưỡng, sạch mầm bệnh, có nhiều thành phần sinh dưỡng. Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm để đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, tăng các loại sinh vật phù du, chân chèo thì phân ủ sinh học là nguồn tốt nhất vì giúp tạo màu nước chuẩn trước khi nuôi trồng. Bên cạnh đó, phân ủ chủ yếu là lớp mùn sẽ tạo cho đáy ao nuôi luôn tơi xốp và là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển, giúp phân giải thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường đáy.
Bắt đầu vào vụ nuôi chi phí sử dụng để cải tạo gây màu nước ao chiếm chi phí không hề nhỏ mà tiềm ẩn rủi ro cao. Trong vụ nuôi nguồn nước bị ô nhiễm, khi sử dụng phân ủ sinh học sẽ đảm bảo cân bằng lại hệ sinh thái ao nuôi giảm thiểu sự mất cân bằng vi sinh vật phân giải. Đồng thời, tạo môi trường tốt hơn cho vật nuôi và tạo được hệ sinh thái tự nhiên. Còn trùn quế kết hợp trong phân bò cũng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng làm thức ăn cho tôm, tăng khả năng hấp thụ đạm, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Nhủ, Trưởng ấp Thạnh Phú (Bảo Thạnh) cũng là người gắn bó với con tôm 7 năm nay ở vùng biển này. Ông Nhủ nuôi 3 ha, đang thử nghiệm phân bò của anh Dương sản xuất. Ông nhận xét, sử dụng phân bò có tác dụng gây màu nước cho tôm. Đồng thời, còn làm thức ăn cho tôm post(con) và phát triển hệ tảo. Ông Nhủ tính toán, sử dụng phân bò xử lý ao và làm thức ăn cho tôm bót sẽ giảm nhiều chi phí. Cụ thể, ở công đoạn xử lý ao trước khi thả, nếu 1 ao diện tích 0,2 ha bón khoảng 30 bao vôi kèm với men vi sinh mới gây màu nước, tốn chi phí 1,2 triệu đồng/lần, còn nếu bón lần đầu không lên màu sẽ làm lần nữa, càng tốn thêm chi phí, còn bón phân bò một lần đã lên màu nước đẹp, giúp giảm chi phí trên 30%.
Anh Dương cho biết, địa phương ở ven biển, trên địa bàn xã có 250 ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi tôm, còn làm nghề muối 600 ha, hiệu quả thấp nên hiện nay cũng đang quy hoạch 200 ha chuyển sang nuôi tôm.
Giảm ô nhiễm môi trường
Anh Lê Quốc Dương tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Còn anh Võ Minh Tâm tốt nghiệp ngành quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia ở TPHCM cùng ra trường 2015 rồi cả hai về phục vụ quê hương, làm cán bộ xã Bảo Thạnh đến nay.
Năm 2016, anh Dương có dịp tham quan mô hình ủ phân dê ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) sử dụng phương pháp thổi khí bằng cách tận dụng gom phân lại ủ rồi bón cây ăn trái mang lại hiệu quả cao. Sau đó, về nhà cả hai bàn bạc, suy nghĩ ở địa phương mình có thương hiệu về bò thịt Ba Tri nhưng phụ phẩm thì không có giá trị, gây ô nhiễm môi trường bấy lâu nay mà chưa có biện pháp xử lý. Từ đó, cả hai quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện dự án.
Hiện nay, đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) có số lượng khoảng 72.392 con, chiếm khoảng 48% tổng số đàn bò trong toàn tỉnh Bến Tre. Vì thế, sản phẩm thải từ phân bò rất lớn ước tính khoảng trên 3.000 tấn/tháng. Nhưng hình thức xử lý phân bò của người dân chủ yếu là phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và chờ thương lái đến thu gom. Sản phẩm thô chưa qua xử lý, kèm theo giá trị dinh dưỡng thấp dẫn đến giá thành rất thấp. Đặc biệt vào mùa mưa không thể phơi được người dân thường chất thành đóng gây ô nhiễm trầm trọng. Anh Tâm cho rằng, để cải thiện được chất lượng phân bò thô, tăng hàm lượng dinh dưỡng nên xử lý phân trước khi bán, có thế mới mang lại giá trị kinh tế cũng như nâng cao được giá trị phân bò, góp phần cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm vào mùa mưa. Đồng thời, tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm phân bò Ba Tri, nâng cao chuỗi giá trị Bò địa phương.
“Dự án nâng cao giá trị phân bò Ba Tri bằng kỹ thuật ủ vermicompost của bạn Dương và Tâm đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ nhất năm 2017. Dự án giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu nhập cho người dân thông qua việc nghiên cứu ứng dụng các loại sản phẩm hữu cơ thiên nhiên vào quá trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục phát triển mô hình nuôi tôm sạch và bền vững với môi trường phù hợp với nhu cầu của ngành nông nghiệp trong nước và thế giới; hưởng ứng tích cực và mạnh mẽ các chủ trương xây dựng “Hệ sinh thái Khởi nghiệp” do Chính phủ đề ra. Giúp các bạn trẻ có đam mê tự tin, mạnh dạn tham gia vào chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cho biết.