Diễn biến phức tạp
Đánh bắt thủy sản bằng xung, kích điện, chất nổ là một cách khai thác “tận diệt” để lại những tác hại lớn và lâu dài cho môi trường thiên nhiên. Ngày 2-1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc nghiêm cấm sử dụng hình thức khai thác này.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm việc khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt, quy định các vùng cấm…
Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm đã được Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT đẩy mạnh, hàng chục vụ sử dụng xung điện để khai thác thủy sản đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tình trạng trên vẫn diễn biến khá phức tạp.
Đi qua những vùng đồng trũng hoặc dọc bờ sông tại một số địa phương ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân sử dụng kích điện để bắt cá. Chỉ cần đưa hai đầu sào có điện của bộ kích xuống vùng nước thì hầu hết các loài động vật thủy sinh từ to đến nhỏ quanh khu vực đó đều bị điện giật gây tê liệt, một đêm, một người có thể đánh được vài kg, thậm chí cả chục kg tôm, cá.
Bên cạnh việc khai thác bằng các công cụ trái phép, tình trạng phát triển khu công nghiệp đi đôi với mức độ xả thải ngày càng lớn ra các dòng sông cũng tác động và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường nước, mất cân bằng sinh thái.
Theo điều tra của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT: Hiện, nguồn lợi thủy sản chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, một số đối tượng, giống loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đang suy giảm nghiêm trọng như: cá quả, cá chép việt, cá chày mắt đỏ, cá trầu tiến vua, cá rô tổng trường…
Sinh sống bằng nghề thả lưới, đánh đó trên sông Hoàng Long, ông Trịnh Văn Bình, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn cho biết: Cách đây chục năm, mỗi lần nhấc lưới, cá nhiều tôi phải lựa bỏ cá nhỏ, nhưng giờ cũng hiếm rồi. Giăng lưới, đặt đó cả ngày kéo lên cũng chỉ được vài con cá, con tôm nho nhỏ, không đủ cho bữa cơm hàng ngày của gia đình, ít khi có dư mà bán.
Ông Nguyễn Đình Quán, Trưởng thôn 1, Kênh Gà, xã Gia Thịnh cho biết: Mấy năm nay nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông Hoàng Long và các vùng nội đồng trên địa bàn xã giảm mạnh. So với 5 năm trước sản lượng cá, tôm tự nhiên giảm từ 20 - 30%; còn nếu so với khoảng 10 năm trước thì sản lượng giảm tới 50 - 70%, thậm chí có loài gần như bị tuyệt chủng.
Minh chứng rõ nhất cho sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên là nhiều hộ sinh sống bằng nghề bắt cá, tôm ở Kênh Gà trước đây giờ đã không sống nổi với nghề nữa mà đã dần chuyển sang các nghề khác như đi làm vận tải thủy, buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, môi trường tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh, tháng 10-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 768/QĐ-UBND phê duyệt và cho triển khai chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.
Chương trình gồm 7 nội dung chính là: Truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản; bảo tồn nguồn lợi thủy sản; phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái môi trường; đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản; củng cố hệ thống tổ chức bảo vệ và đầu tư cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Ông Trần Đức Sáng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian qua, chúng tôi mới thực hiện được 4/7 nội dung mà Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đề ra, các nội dung đã thực hiện cũng chỉ là bước đầu.
Thực tế, đến nay, nhiều vùng nước tự nhiên vẫn chưa có trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm trách, trong khi cấp huyện hầu như không có cán bộ thủy sản.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản chậm được đầu tư, thiếu kinh phí cho hoạt động. Ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra tại hầu khắp các mặt nước tự nhiên của tỉnh.
Để tạo môi trường sinh sống thuận lợi cho các loài thủy sản cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong thời gian tới, ông Trần Đức Sáng cho rằng: Cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các cơ quan chuyên môn cũng cần nhanh chóng huy động nguồn lực để hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản một cách toàn diện ở tất cả các thủy vực của tỉnh, qua đó tiến hành xây dựng kế hoạch bảo vệ cụ thể.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xỷ lý các hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, kích điện, chất nổ, thuốc hóa học… Nghiên cứu đề xuất quy hoạch các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các bãi đẻ thủy sản. Huy động mọi nguồn lực để thường xuyên thả bổ sung các giống loài thủy sản quý hiếm vào mặt nước tự nhiên.
Tập trung củng cố hệ thống tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đầu tư cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Gia Viễn có 2 sông lớn là sông Đáy và sông Hoàng Long cùng các khu đầm cút và hệ thống ao hồ dày đặc, do vậy nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản đóng một vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế của huyện.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, suối, đầm, hồ.
Đồng thời vận động nhân dân tích cực thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên nhân ngày Truyền thống nghề cá (1-4) và lễ ông Công ông Táo (23 tháng Chạp).
Cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với UBND huyện Gia Viễn triển khai chương trình phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng việc thả 5.500 con cá chép Việt, 3.000 con cá chày mắt đỏ xuống vùng nước tự nhiên bãi đẻ tuyến sông chính Hoàng Long thuộc địa bàn xã Gia Trung, huyện Gia Viễn.
Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực với mục đích là tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản, nâng cao nhận thức cho người dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.