Hơn thế, vùng nuôi cá không thuộc vùng quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của Tây Ninh, cá chết không nằm trong dạng bị lũ lụt, dịch bệnh thiên tai, cũng như không xác định được cơ quan hay cá nhân nào là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết... nên không được bồi thường hay hỗ trợ.
Trước đó, từ ngày 3 đến ngày 8-5, cá nuôi trong bè của người dân khu vực xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh bị chết hàng loạt.
Nhiều nhất là hộ của ông Dương Thành Tuấn với số lượng 1 tấn cá thác lác cườm bị chết.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tây Ninh, kết quả phân tích chất lượng nước trong bè nuôi cá của hộ ông Tuấn có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO) thấp, chỉ có 0,47mg/l trong khi nhu cầu phải là 1mg/l.
Chính vì vậy nguyên nhân cá chết theo ngành thủy sản là do cá bị thiếu ôxy.
Theo phân tích, do mật độ lục bình vào mùa nắng phát triển mạnh khiến cho nồng độ ôxy hòa tan trong nước giảm và do thời tiết diễn biến thất thường lúc giao mùa góp phần làm cá bè bị chết.
Sở cũng cho rằng vị trí nuôi cá bè là khu vực đông dân cư nên rác thải, nước sinh hoạt tại các hộ dân trực tiếp xả xuống lòng sông làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước.
Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Tây Ninh khuyến nghị Chi cục Thủy sản cần rà soát, tổng hợp các hộ dân nuôi cá bè trên sông, thông báo cho các hộ dân rõ từ nay đến tháng 10, nồng độ ôxy trong nước sông suy giảm là một trong những nguyên nhân làm cá chết.