Đến thăm mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt của ông Phúc đúng thời điểm gia đình ông đang thu hoạch bể cá lóc đầu tiên với sản lượng gần 1,5 tấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phúc cho biết, ở vùng đất Vĩnh Thái toàn cát trắng này thì ngoài làm nghề biển, người dân hầu như không biết sản xuất gì thêm. Cơ duyên đến với ông khi một lần ngồi xem ti vi vô tình ông thấy mô hình nuôi cá lóc trong bể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu, ông đã bàn với người thân gom góp vốn liếng xây dựng 4 bể nuôi bằng xi măng lót bạt có diện tích 100 m2 mỗi bể để triển khai mô hình nuôi cá lóc. Để nắm vững kỹ thuật, ông tìm đến các mô hình nuôi cá lóc thành công trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Khi cảm thấy mình đã nắm cơ bản kỹ thuật, ông quyết định mua giống về thả nuôi. Buổi đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên gần 40.000 con cá giống trị giá gần 25 triệu đồng bị chết. Không nản chí, ông quyết định tìm đến Trạm Khuyến nông huyện nhờ cán bộ kỹ thuật về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ cách chọn cá giống, khâu cho ăn, thay nước, cách nhận biết và biện pháp chữa trị khi cá bị bệnh. Nhờ vậy, lứa cá giống thứ hai phát triển tốt, tăng trọng nhanh, sau 5,5 tháng nuôi đã đạt trọng lượng bình quân từ 0,5 - 0,6 kg/con. “Bể nuôi đầu tiên này tôi ước tính sản lượng thấp nhưng cũng đạt 1,5 tấn. Các bể còn lại chắc chắn sẽ đạt từ 2 - 3 tấn mỗi bể. Với giá bán trung bình khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống, xây dựng cơ bản gia đình tôi có lãi khoảng 120 triệu đồng”, ông Phúc khẳng định.
Chia sẻ về một số kinh nghiệm nuôi cá lóc, ông Phúc cho biết, bên cạnh con giống thì ông cũng xây dựng lịch cho cá ăn cố định. Do cá giống đã được thuần nên ông quyết định sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao cho cá ăn. Mặc dù có giá cao hơn thức ăn tươi nhưng bù lại có độ đạm cao hơn, giúp cá lóc nhanh lớn lại dễ quản lý được thức ăn. Trong 2 tháng nuôi đầu tiên nên cho cá ăn từ 3 - 4 lần/ngày. Cá lóc mặc dù là loại có sức sống khỏe nhưng với mật độ nuôi cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Chính vì thế trong quá trình nuôi cần phải thường xuyên theo dõi các biểu hiện bất thường của đàn cá để phát hiện ra bệnh và chữa trị kịp thời. Để cá phát triển tốt thì trong quá trình nuôi cần giữ môi trường nước trong sạch. Định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp để phòng bệnh cho cá. Một điểm cần chú ý nữa là những khi thời tiết thay đổi thì cá lóc sẽ có biểu hiện chán ăn. Lúc đó cần bổ sung thêm thuốc bổ cho cá, đặc biệt là các loại vitamin. “Do đây là mô hình mới, tôi cũng mới tiếp cận kỹ thuật nuôi, việc thâm canh chưa cao, chưa nắm bắt đầy đủ đặc điểm sinh học của cá và chưa có sự đầu tư hợp lý theo từng độ tuổi nên trọng lượng cá vẫn chưa đồng đều. Song điểm thuận tiện của mô hình là có thể tận dụng mọi điều kiện để thả nuôi cá, không cần phải có diện tích lòng hồ rộng lớn mới thả nuôi được”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Ông Trần Văn Thận, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái đánh giá rất cao sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của ông Nguyễn Văn Phúc. Qua kết quả của mô hình cho thấy việc nuôi cá lóc trong bể mang hiệu quả kinh tế cao, không đòi hỏi diện tích nuôi lớn. Mô hình này khá phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Vĩnh Thái nói riêng, các xã vùng đồng bằng, ven biển nói chung, mỗi hộ chỉ cần 50 - 100 m2 bể trở lên thì cũng có thể nuôi đối tượng này nhằm cải thiện đời sống và tạo công ăn việc làm cho nông dân. Sự thành công của mô hình không chỉ đa dạng hóa được đối tượng nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giảm thiểu rủi ro về môi trường, giảm chi phí đầu tư... mà còn được coi là một trong những giải pháp mang tính bền vững và có hiệu quả cao cho người nông dân. “Trong thời gian tới, địa phương sẽ có kế hoạch để nhân rộng mô hình này nhằm giúp cho người dân nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, ông Thận cho biết.