Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe các diễn giả trình bày 7 vấn đề chính xoay quanh tiêu chuẩn ASC/PAD gồm các vấn đề về khía cạnh môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh. Trong đó, trách nhiệm xã hội được đánh giá là vấn đề còn khá mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong vòng 20 năm qua, sản lượng xuất khẩu cá tra của nước ta đã tăng gấp 50 lần và việc sản xuất cá tra đã phát triển với một tốc độ chưa từng có ở bất kỳ mùa vụ thực phẩm nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển theo cấp số nhân đã dấy lên vấn đề về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm.
Theo Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, chứng nhận ASC/PAD chính là lời giải cho bài toán trên. ASC/PAD là tiêu chuẩn tự nguyên áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, việc chứng nhận nhà sản xuất đạt theo tiêu chuẩn này có thể đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm, người mua rằng nguồn gốc sản phẩm là từ nhà sản xuất có trách nhiệm.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng đã khẳng định, ngành nuôi trồng và chế biến cá tra Việt Nam đã qua rồi thời kỳ phát triển bùng nổ và đang gặp nhiều khó khăn, để khôi phục phát triển ngành chúng ta phải tìm hướng đi mới, trong đó trước mắt cần chú ý giảm sản lượng nuôi và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam đã trao chứng nhận ASC/PAD cho 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Docifish, Công ty cổ phần Gò Dàng, Công ty cổ phần Tô Châu, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty cổ phần thủy sản NTSF.