Diện tích nuôi cá lóc tăng
Năm 2016 đánh dấu sự trở lại và phát triển ấn tượng của đối tượng nuôi cá lóc khi tình hình nuôi trồng cá tra, cá rô đồng ngày càng khó khăn, giá cá lóc giử ở mức từ 31.000 – 37.000 đồng và một bộ phận doanh nghiệp chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi cá lóc. Trà Vinh hiện là thủ phủ của nghề nuôi cá lóc khi có hơn 280 ha nuôi cá lóc và đang có xu hướng mở rộng nhờ vào thị trường phát triển mạnh, lượng cá lóc đồng thương phẩm hàng tháng cung cấp cho thị trường là trên 5.000 tấn cá. Tuy Trà Vinh bị ảnh hưởng của hạn mặn, tuy nhiên sản lượng cá nuôi cung cấp cho thị trường vẫn ít bị ảnh hưởng.
An Giang cuối năm 2015 và đầu 2016 phát triển diện tích nuôi cá lóc rất nhanh khi các nông hộ chuyển các ao nuôi cá tra kém hiệu quả sang nuôi cá lóc. Đặc biệt có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nuôi trồng cá tra làm cho diện tích và sản lượng cá lóc trong vùng tăng lên rất nhanh.
Thị phần thức ăn
Thức ăn công nghiệp dành cho cá lóc mới được sản xuất gần đây, tuy nhiên áp lực về thị phần, doanh số nên số doanh nghiệp tham gia thị trường khá đông. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá lóc trên 35 công ty, chiếm thị phần lớn nhất hiện nay la Việt Thắng với 15,3% với thế mạnh là thức ăn giá cạnh tranh, chất lượng thức ăn ổn định; tiếp theo là CJ, Tongwei, UP, Thăng Long, các công ty khác. Xu hướng thị phần thức ăn cá lóc phát triển nhanh từ các thương hiệu có giá cả canh tranh, chất lượng ổn định. Hiện nay giá thức ăn cá lóc tại công ty dao động từ 16.500 đến 17.200 đồng/kg, khi đến tay người dân thì giá dao động từ 470.000 đến 500.000 đồng/bao 25kg tùy theo các hình thức thanh toán.
Ao nuôi cá lóc tại Bình Thạnh - Đồng Tháp
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn thức ăn
Cá lóc là loài đặc biệt nhạy cảm đối với việc lựa chọn thức ăn nên bất cứ sự thay đổi của thức ăn đều ảnh hưởng đến bắt mồi, tăng trưởng của cá lóc nuôi trong ao. Thức ăn cá lóc được sử dụng có độ đạm thô dao động từ 40 đến 44 độ đạm, khi thức ăn sử dụng đạm chất lượng không cao sẽ dẫn đến cá lóc bị gù, giá bán thấp. Hệ số FCR trên cá lóc hiện nay dao động ở mức FCR từ 1,25 đến 1,35 tùy vào từng điều kiện nuôi và kỹ thuật người nuôi. Thức ăn chất lượng tốt sẽ có hệ số FCR dưới 1,3.
Gù là nổi lo của các công ty sản xuất thức ăn. Tỷ lệ cá bị gù trong đàn chiếm tỷ lệ dưới 5% là chấp nhận được, tuy nhiên một số trường hợp ao cá nuôi bị gù trên 30%, dẫn đến hộ nuôi bị thua lỗ do giá bán cá gù thấp hơn cá bình thường từ 10.000 đến 15.000 đòng/kg. Hiện tại đã xác định gù là bệnh lý của cá do lỗi từ thức ăn.
Giá và xu hướng giá
Giá thành cá lóc nuôi ao và nuôi trong mùng lưới dao động từ 25.000 đến 27.000 đồng trên kg cá cở 700 đến 900g. Giá thức ăn cá lóc năm 2016 giảm 2 lần với mỗi lần giảm 200 đồng/kg vào tháng 2 – 3 do chiến lược cạnh tranh của cá doanh nghiệp. Xu hướng giá sắp tới của thức ăn cá lóc trong năm 2016 sẽ không giảm giá trực tiếp vào giá thành sản phẩm mà chủ yếu là tăng chiết khấu cho đại lý, nhà phân phối. Bên cạnh đó giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng nhẹ sẽ tác động đến giá thức ăn trong những quí tiếp theo.
Giá cá lóc hiện tại đang tăng nhẹ do nguồn cung cá đồng bị hạn chế, dao động từ 34.000 đến 35.000 đồng tùy vào cở cá. Xu hướng giá cá lóc còn tăng do ảnh hưởng của hạn mặn nhưng sẽ khó lên đỉnh giá trên 50.000 đồng/kg như tháng 5 năm 2015.
Chiết khấu cho đại lý
Chiết khấu từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho các nhà phân phối, đại lý có sản lượng lớn dao động từ 5 – 8%, các đại lý nhỏ được hưởng chiết khấu từ 4 – 5%. Chiết khấu cho các đại lý không cao tuy nhiên lợi nhuận của các đại lý thực tế cao do các đại lý tăng giá bán đối với các hình thức công nợ trả chậm. Hiện tại các đại lý thức ăn cá lóc thực lời chỉ khoảng 1.500 đến 2.000 đồng/kg thức ăn, bên cạnh đó lợi nhuận của các đại lý còn nhờ vào bán cá giống và bán thuốc thủy sản.
Năm 2015 và quí I năm 2016 là năm thành công cho các đại lý thức ăn cá lóc do cá được giá, 95% người nuôi cá lời từ nuôi cá lóc.