Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Văn Tân được cha mẹ cho riêng 2 công vườn, làm lụng suốt ngày mà cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2010, thông qua sách báo, học tập các mô hình nuôi ếch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, anh tận dụng đất trống trong vườn, thiết kế 3 ao bằng bạt nylon khoảng 30 m2, nuôi 3.000 con ếch thương phẩm. Vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, tỉ lệ hao hụt nhiều nên lợi nhuận không cao. Sau 3 tháng nuôi anh thu hoạch 450 kg ếch thương phẩm, bán giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 3 triệu đồng.
Bán vụ ếch đầu tiên anh chọn 30 cặp ếch bố mẹ nuôi ếch sinh sản, thiết kế vòi phun nước trong ao, tạo mưa nhân tạo kích thích ếch đẻ trứng nghịch mùa bán được giá. Bình quân mỗi ếch nái sinh sản từ 1.500 - 2.000 trứng, sau khi ếch đẻ trứng, cách ly ếch mẹ riêng, trứng nở thành nòng nọc, ương 40 ngày tuổi bán con giống. Anh cho biết, ao làm bằng bạt nylon khá đơn giản, chi phí thấp, bạt nylon may thành mùng nối liền các vách, đặt bạt âm trên nền đất khoảng 30 cm hoặc dùng vỉ tre tấn xung quanh nhằm giữ nước trong bạt, dùng cây căng thẳng 4 góc mùng không cho ếch ra ngoài.
Ếch là loài sống nửa dưới nước nửa trên cạn, nên trong ao được thả nhiều tấm vạt tre hay cây sậy khô nổi trên mặt nước cho ếch đeo bám và hít thở khí trời; chủ động khống chế dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh ao, ngày thay nước/lần đối với ếch thịt, 2 - 3 ngày/lần đối với ếch con và nên thiết kế ao ở những nơi thoáng, giúp ếch tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời, hạn chế ký sinh trùng gây bệnh ngoài da.
Với 8 ao nuôi ếch thịt và ếch giống, anh cung cấp cho thị trường 70.000 con giống và hàng trăm kg ếch thương phẩm/năm. Hiện gia đình anh có 4 ao ếch giống khoảng 1 tháng tuổi, số lượng vài trăm ngàn con và 6 ao ếch thương phẩm. Bình quân 1kg ếch thương phẩm người nuôi lãi 1.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi 80 triệu đồng/năm.
Những kinh nghiệm tích luỹ được, anh sẵn lòng hướng dẫn bà con cùng mở rộng diện tích phát triển nghề nuôi ếch, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều nông hộ ở địa phương. Chủ động chuyển đổi vật nuôi phù hợp, anh Nguyễn Văn Tân là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thoát nghèo.