Trước đó, trong chiều 25-5, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn đã trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy, gặp gỡ người nuôi, chính quyền địa phương và lấy mẫu nước, kết quả cho thấy, không có hiện tượng nguồn nước trong ao, đầm nuôi tôm bị ô nhiễm do nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Ông Diên cho biết, về nguyên nhân chủ quan là do nguồn nước lấy vào nuôi đầu vụ có độ mặn thấp, việc xử lý nước trước khi nuôi cũng như cải tạo ao đầm của bà con chưa tốt, mầm bệnh tồn tại sẵn trong môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, một số hộ dân mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đây là một tác nhân phát sinh nguồn bệnh sau khi thả.
Về nguyên nhân khách quan, từ đầu tháng 5 đến nay, diễn biến thời tiết phức tạp, ngoài nắng nóng, có những ngày gió Đông Bắc, nhiệt độ giảm nhanh, biên độ dao động nhiệt ngày đêm chênh lệch lớn. Có những ngày mưa rào to, lượng nước ngọt chảy vào ao nuôi nhiều làm cho điều kiện môi trường trong khu vực nuôi biến động về độ mặn, dẫn tới giảm sức đề kháng của tôm.
Theo thông tin mới nhất, tính đến ngày 26-5, hiện tượng tôm chết đã xảy ra tại 543 ao (148 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 395 ao nuôi tôm sú) của 322 hộ ở bảy xã thuộc huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Tổng diện tích ao nuôi có tôm chết là hơn 77 ha, số lượng thả giống khoảng 18,2 triệu con.
Đến nay, tổng lượng hóa chất Chlorine hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản xử lý mầm bệnh trong ao nuôi là gần 17 tấn, diện tích đã được xử lý là hơn 75 ha, trong đó ao nuôi có tôm chết là hơn 74 ha, ngoài ra là diện tích mương cấp nước cho các ao nuôi.
Hiện lượng hóa chất dự trữ của tỉnh đã hết, địa phương có gửi công văn đề nghị Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ thêm hóa chất Chlorine nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.