Vươn khơi đầu năm mới
Từ sáng sớm mùng 4 Tết, chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cùng hàng loạt chiếc tàu khác nổ máy rền vang, hướng ra biển khơi. Ông Chiến chia sẻ: “Chuyến biển đầu năm này cũng là chuyến biển đầu tiên của tàu vỏ thép. Chúng tôi đã trang bị đầy đủ hệ thống lưới, câu, máy định vị, dò cá, bộ đàm, phao cứu hộ, dầu máy, lương thực thực phẩm…cho chuyến vươn khơi. Dự kiến chuyến biển này kéo dài từ 15-20 ngày trên ngư trường cách đất liền trên 25 hải lý. Theo con nước, luồng cá, tàu có thể vươn ra đến Trường Sa, Hoàng Sa và đánh bắt dài ngày hơn”.
Ông Chiến nhẩm tính: “Mỗi chuyến biển chỉ cần đánh bắt từ 15-20 tấn là có lãi, với giá bình quân 20 ngàn đồng/kg thì sẽ cho thu nhập từ 300 triệu đến 400 triệu đồng, trừ các khoản chi phí dầu, đá ướp lạnh… lãi khoảng một nửa”.
Ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang phấn khởi trước chuyến biển đầu năm gặp thời tiết thuận lợi.
Trước khi cho tàu xuất bến, ông Hòa cũng như ngư dân không quên lễ cầu ngư với những lễ vật giản đơn như bánh trái, nải chuối, với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo quan niệm của ngư dân, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chọn thời điểm xuất hành cũng rất quan trọng. Bà con thường chọn ngày mùng 2 hoặc mùng 4 tết làm lễ xuất bến, đi chuyến biển đầu năm.
Ông Hòa cho biết, chiếc tàu công suất 430CV vừa đóng mới bằng nguồn vốn tự có và vay thêm ngân hàng với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Đây là tài sản lớn cần phải bảo vệ an toàn, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Chuyến biển đầu tiên này, ông Hòa quyết định cho tàu vươn khơi từ 30 hải lý trở ra, kéo dài một tuần đến 10 ngày. Trước chuyến biển, sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, ông Hòa đầu tư nâng cấp ngư lưới cụ nhằm phù hợp với ngư trường xa bờ, có thể vươn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.
Nhiều tàu trúng đậm cá nục ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang
Hải sản được giá
Thời điểm đầu năm là lúc các nhà hàng, khách sạn, kinh doanh nhộn nhịp, tiêu thụ một lượng lớn hải sản. Một số tàu đánh bắt xa bờ chọn chuyến biển đầu tiên vào ngày mùng 2 Tết và trở về sau một ngày để kịp cung cấp hải sản cho thị trường.
Ông Phan Tước ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, chủ nhân của ba tàu đánh bắt xa bờ cho biết, vụ đánh bắt sau Tết thường chủ yếu đi lấy ngày, thời gian đánh bắt chỉ kéo dài một vài ngày. Năng suất, sản lượng không nhiều nhưng bán được giá. Một tàu xa bờ của ông vừa trở về ngày mùng 4 Tết với khoảng 3 tấn cá, nhưng thu nhập gần 60 triệu đồng”. Ngoài tàu của ông Tước, ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An có khoảng 5 chiếc đánh bắt trở về ngày mùng 4 Tết, thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/chiếc.
Những ngày đầu năm, hàng loạt thuyền đánh bắt mang về một lượng hải sản đáng kể. Tại các xã Vinh Thanh ( huyện Phú Vang), Phong Hải, Điền Hòa (huyện Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền)…nhiều ngư dân trúng đậm cá khoai, lẹp, hố, nục… thu nhập từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/chiếc.
Toàn tỉnh có gần 3.000 tàu đánh bắt gần và xa bờ, với những chuyến tàu khởi đầu năm mới ra quân thuận lợi như hiện nay, được trang bị ngư lưới cụ ngày càng hiện đại, cùng với sự hỗ trợ của chính sách nhà nước trong việc đóng tàu công suất lớn… hứa hẹn ngư dân đánh bắt hải sản năm nay còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa.
Khai thác hải sản được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo.