Tiền Giang: Nhọc nhằn nghề rùng lưới

Các kinh rạch thuộc vùng Ngọt hóa Gò Công thường xuyên bị cỏ và lục bình phủ kín, đây là điều kiện thuận lợi để các loài cá trú ngụ. Tận dụng điều này, những người dân nơi đây đã phát triển nghề rùng lưới để đánh bắt cá từ nhiều năm nay. Công việc tuy có phần khó nhọc nhưng đã mang đến cho những người làm nghề này có thêm nguồn thu nhập, giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

gom lưới bắt cá
Gom lưới lại để bắt cá.

VẤT VẢ MƯU SINH

Theo những người làm nghề rùng lưới nơi đây thì nghề này đã có từ nhiều năm nay, ban đầu rất ít người làm, tuy nhiên sau này do thấy nghề này “ăn nên làm ra” nên một số người đổ xô đi sắm lưới để đánh bắt cá.

Nghề rùng lưới là việc làm quanh năm, không mang tính thời vụ, nhưng thông thường thì đánh bắt mạnh nhất là vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 4). Trong năm vừa qua, do tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm dẫn tới mực nước ở các kinh, rạch nội đồng giảm mạnh, vì vậy việc đánh bắt cá bằng lưới rùng diễn ra mạnh hơn vào dịp trước tết.

Do làm việc ở môi trường sông nước, thế nên những người làm nghề rùng lưới hàng ngày phải ngâm mình hàng giờ dưới nước. Nguồn nước thì bị ô nhiễm do rác thải, lục bình… 1 ngày có khi họ phải ngâm mình gần 8 giờ dưới nước để đánh bắt cá.

Việc đánh bắt cá bằng lưới rùng được chia thành 3 giai đoạn: Thả lưới, loại bỏ các loại rác, lục bình… bên trong lưới và bắt cá. Tấm lưới rùng có cấu tạo khá đơn giản, được viền 2 đầu, 1 đầu gắn phao để giữ lưới nổi trên mặt nước. Bề rộng của lưới thường là 12 m, còn chiều dài thì tùy theo điều kiện kinh tế của chủ lưới. Để tiết kiệm chi phí, những người làm nghề rùng lưới thường mua lưới về rồi tự viền, mỗi kg lưới có giá 200 ngàn đồng.


Anh Phạm Văn Kiệt đang loại bỏ lục bình ra khỏi lưới rùng.

Việc chọn nơi để thả lưới là yếu tố quyết định đến kết quả sau hàng giờ ngâm mình dưới nước. Để biết được đoạn kinh nào có nhiều cá thì người ta thường dựa vào kinh nghiệm, lựa chọn địa hình lý tưởng rồi mới quyết định thả lưới.

Ông Phan Minh Hoàng (52 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Kinh nghiệm là điều quyết định tới thành quả lao động, nhiều người mới làm nghề do thiếu trải nghiệm thành ra cực nhọc mà 1 ngày kiếm không được bao nhiêu tiền. Mình phải quan sát, xem xét kỹ những dấu hiệu cho thấy chỗ đó có nhiều cá mới quyết định thả lưới”.

Giai đoạn loại bỏ những vật cản như rác, lục bình… ra khỏi lưới là công việc nặng nhọc nhất. Sau khi thả lưới, người thợ rùng thường ngâm lưới khoảng 15 phút để những con cá ẩn núp dưới bùn ngoi lên rồi mới kéo viền lên bờ. Lúc này 1 viền nằm trên đám lục bình, 1 viền nằm trên bờ, những con cá đã bị bao vây nằm gọn trong lưới, người thợ rùng bắt đầu gom lục bình, rác… ra khỏi lưới.

Công việc này đòi hỏi người rùng lưới phải có sức khỏe tốt và dẻo dai. Đôi tay của họ phải liên tục kéo, vứt những bụi lục bình nặng trĩu, đôi chân phải di chuyển nhiều chỗ để tránh bị lún dưới bùn.

Ông Lê Văn Vũ (ngụ ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Do tay phải làm việc liên tục nên mỗi khi về nhà là mỏi nhừ. Một số người thường vứt miểng chai, lọ xuống kinh rạch, cùng với đó là vỏ ốc, trong khi rùng thường đạp phải nên bị đứt chân hoài. Chỗ nào nước bị ô nhiễm thì ngứa ngáy khắp cả người”.


Niềm vui của người thợ rùng khi bắt được nhiều cá.

Loại bỏ những vật cản trong lưới xong thì người thợ rùng cũng đã thấm mệt, vết bùn đất cùng rễ lục bình dính bám chặt vào khuôn mặt mệt mỏi của họ. Nhưng không vì thế mà họ nghỉ ngơi, bởi vì đã đến thời điểm họ biết được thành quả lao động của mình.

Những khuôn mặt bỗng trở nên rạng rỡ hơn khi những “chú” cá giãy “đành đạch” trong lưới được tóm gọn rồi cho vào thùng. Sau hàng giờ dầm mình dưới nước, hì hục kéo, vứt lục bình thì giây phút hạnh phúc nhất của họ chính là thời điểm này.

Ông Phạm Văn Kiệt (ngụ ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) vừa bắt cá vừa tranh thủ giũ rác trong tấm lưới miệng thủ thỉ: “Mẻ lưới nào bắt được nhiều cá thì mình thấy ham lắm, có động lực để đánh mẻ tiếp theo. Còn nếu thất thì rất là nản, bao nhiêu công sức bỏ ra coi như xong. Bắt được cá lóc, cá trê thì bán được nhiều tiền, chứ mấy loại cá khác giá không cao”.

ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

Đa phần người làm công việc rùng lưới thì đây chỉ là nghề tay trái, được xem là “cứu cánh” của họ trong những lúc nông nhàn. Những năm trước đây, khi nghề rùng lưới chưa thịnh hành, số người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau này nhiều người bắt đầu sắm sửa lưới đánh bắt, hiện tại số người làm nghề này lên tới hàng trăm người. Theo ông Hoàng, chỉ tính riêng ấp Thạnh Hòa (xã Bình Nghị) hiện có khoảng 20 người làm nghề rùng lưới.

Có hơn 10 năm trong nghề rùng lưới, cứ có thời gian rảnh là ông Kiệt lại mang lưới đi rùng. Người nông dân quanh năm không thể sống chỉ dựa vào cây lúa, chính vì vậy nghề rùng lưới đã giúp gia đình ông Kiệt có cuộc sống ổn định.

Ông Kiệt trải lòng: “Nhà có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học mà làm ruộng thì mỗi vụ đâu có lời bao nhiêu. Cũng nhờ nghề này mà tôi có đồng vô đồng ra lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Hôm nào trúng thì được năm, ba trăm ngàn đồng, còn hôm nào thất thì cũng có cá ăn, đỡ tốn tiền chợ”.


Anh Võ Văn Tám đang thu lưới lại gần bờ để tiện loại bỏ lục bình.

Do là nghề sông nước nên thu nhập từ nghề rùng lưới không ổn định, bữa trúng có thể kiếm được từ 500 - 700 ngàn đồng, bữa thất thì năm, ba chục ngàn đồng. Tuy thu nhập khá bấp bênh nhưng nhìn chung đối với những người làm nghề rùng lưới thì nghề này đã giúp cuộc sống của họ ổn định hơn.

Ông Hoàng cao hứng kể lại: “Trước đây, tôi là một trong những người đầu tiên trong ấp làm nghề rùng lưới. Thấy việc làm ăn cũng được, trong khi đó cuộc sống của anh em trong xóm còn nhiều khó khăn nên tôi mới chỉ cách để mọi người cùng nhau làm. Lúc trước có ngày tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng từ nghề rùng lưới. Năm nay thì không bằng những năm trước do  có nhiều người làm, vả lại bây giờ nạn đánh bắt cá bằng xung điện cũng diễn ra tràn lan, nhưng được cái bây giờ cá có giá hơn lúc trước nên cuộc sống cũng ổn định”.

Trước đây, do nhà không có đất sản xuất nên ông Võ Văn Tám (50 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) phải đi làm thuê quanh năm để kiếm sống. Có một thời gian khá dài ông làm thuê cho ghe cào biển, tuy nhiên sau này do sức khỏe kém nên ông không thể tiếp tục công việc làm thuê. Ông trở về nhà sắm lưới rùng để đánh bắt cá.

“Mình cũng có tuổi rồi, còn sức đâu mà làm thuê như trai trẻ. Làm thuê cho ghe cào biển thì làm quần quật suốt ngày, nhiều khi còn bị la, bị mắng. Về làm nghề rùng này thì mình làm chủ, muốn thì làm, không thì nghỉ, không bó buộc thời gian. Nghề này nói chung là hơi cực nhọc, tuy nhiên thu nhập cũng tạm ổn, cuộc sống cũng đỡ hơn” - ông Tám trải lòng.

Nghề rùng lưới là một công việc khá nặng nhọc, phải dầm mình hàng giờ liền dưới nước và cũng gặp không ít những rủi ro trong quá trình đánh bắt. Tuy nhiên, nhờ đức tính cần cù, không ngại gian khó của người dân Gò Công nên được thiên nhiên đáp lại bằng những thành quả xứng đáng, từ đó giúp cuộc sống của họ ổn định hơn.

Báo Ấp Bắc, 22/02/2016
Đăng ngày 23/02/2016
Minh Thành
Đánh bắt

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Đồng Nai kiên quyết dẹp ngư cụ cấm và đánh bắt tự diệt

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ ngư cụ cấm và các hình thức đánh bắt kiểu “tự diệt”.

Người dân
• 09:34 01/11/2024

“Lộc trời” sau bão Trà Mi: Người dân Đà Nẵng đón nhận món quà từ biển

Bão Trà Mi qua đi đã để lại những “món quà” bất ngờ cho người dân Đà Nẵng, khi dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được phủ kín bởi vẹm xanh, sò huyết, chíp chíp, và nhiều loại hải sản khác.

Vẹm xanh
• 10:33 31/10/2024

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Chính thức mở bán: "Thực hành Chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản"

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang cần giải pháp thực tế để vượt qua thách thức cần đối mặt để đạt được sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lúc này.

Sách Thực hành chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản
• 18:58 25/11/2024

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là một vấn đề quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Kháng sinh
• 18:58 25/11/2024

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 18:58 25/11/2024

Tạo rào cản cho vi khuẩn hạn chế xâm nhập vào tôm

Một trong những thách thức lớn nhất mà người nuôi phải đối mặt là các bệnh do vi khuẩn gây ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm.

Tôm thẻ
• 18:58 25/11/2024

Xuất khẩu một tháng trở lại tỷ đô sau 27 tháng

Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ tháng 6/2022 đã trở lại mức tỷ đô một tháng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng chủ lực và các thị trường chính đều tăng.

Tôm thẻ
• 18:58 25/11/2024
Some text some message..