Yên tâm sản xuất
Là người từng gắn bó với những bước thăng trầm của nghề nuôi cá tra, ông Nguyễn Văn Tấn (xã Mỹ Phú, Châu Phú) thấu hiểu rất rõ những khó khăn mà người nuôi cá tra đang gặp phải. “Thời hoàng kim của con cá tra, mình muốn vay vốn bao nhiêu ngân hàng cũng cho. Tuy nhiên, từ khi con cá tra gặp khó, đi vay vốn ngân hàng đòi tài sản thế chấp. Khi thế chấp “giấy đỏ”, việc định giá trị tài sản được tính theo đất lúa (tương đương 500 – 600 triệu đồng/héc-ta), còn thấp hơn chi phí bỏ ra đào ao, xây dựng vùng nuôi. Số tiền vay chẳng được bao nhiêu, trong khi vốn đầu tư nuôi mỗi héc-ta cá tra lên đến cả chục tỷ đồng. Khi cá tra gặp khó khăn vài năm, nông dân coi như hết vốn bởi chẳng còn gì để thế chấp” – ông Tấn thông tin.
Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết dọc cá tra của Công ty TNHH TM-DV Thuận An (Tafishco), nỗi lo về vốn đầu tư nuôi cá tra như được trút bỏ. Tham gia dự án này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) đã giải ngân theo nhu cầu vốn đầu tư vùng nguyên liệu của Tafishco và các hộ nuôi liên kết, mà không đòi hỏi tài sản thế chấp. “Việc quản lý vốn vay rất chặt chẽ. Nông dân được ngân hàng mở tài khoản để chuyển tiền vào đó. Thức ăn nuôi cá được cung cấp với giá gốc theo nhu cầu cho các hộ nuôi. Sắp đến thu hoạch, chỉ cần thông báo trước là công ty xuống thu mua đúng hẹn. Do vậy, cá luôn đạt kích cỡ (size) xuất khẩu, không còn lo tình trạng khi cá rớt giá thì doanh nghiệp cứ hẹn lần hẹn lựa, dẫn đến cá quá size, mất giá trị như trước đây. Bên cạnh đó, nhờ được cung cấp thức ăn giá gốc, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp nên giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Sau khi bán cá, việc thanh toán tiền mua con giống, thức ăn cũng qua chuyển khoản, không cần dùng tiền mặt” – ông Tấn chia sẻ.
Nhờ giải quyết được bài toán nguồn vốn, liên kết chặt chẽ trong cung ứng thức ăn, bao tiêu sản phẩm nên ông Tấn và nhiều hộ nuôi tham gia chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco đã mạnh dạn đầu tư vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng cá tra nguyên liệu.
Cần đầu tư nhân rộng
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng, chuỗi liên kết dọc cá tra được xem là mô hình hiệu quả nhất trong số 4 dự án mà NHNN triển khai ở An Giang (3 dự án còn lại là chuỗi liên kết lúa, nếp và rau màu). “Lâu nay, nông dân nuôi cá thường cần nguồn vốn rất lớn, bình quân hơn 7 tỷ đồng/héc-ta ao nuôi. Tuy nhiên, do đất nuôi cá cũng là đất lúa nên giá trị rất thấp. Nếu thế chấp để vay vốn ngân hàng thì chưa được 1/10 nhu cầu vốn. Việc triển khai chuỗi liên kết dọc cá tra đã khắc phục được tình trạng thế chấp tài sản vay ngân hàng, thay vào đó là vay tín chấp. Mọi thanh toán đều qua chuyển khoản nên không lo sử dụng vốn sai mục đích. Trong quá trình triển khai chuỗi liên kết, nông dân được cung cấp thức ăn với giá gốc, giúp tiết kiệm chi phí và hoàn toàn yên tâm về đầu ra” – Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đánh giá.
Có thể thấy, hiện mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco đã được chứng minh trong thực tế khi giai đoạn II đã được Thống đốc NHNN phê duyệt với số vốn và diện tích mở rộng gần gấp đôi so giai đoạn I, số hộ nuôi liên kết cũng được nâng từ 8 lên 30 hộ. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Tafishco, cho biết, đến nay, đã có 13 hộ dân và vùng nuôi của Tafishco thực hiện ký hợp đồng tín dụng với Agribank An Giang. Tổng hạn mức tín dụng được duyệt là 292,3 tỷ đồng, đạt 70% so số tiền được Thống đốc NHNN phê duyệt. Riêng tổng số tiền Agribank An Giang đã giải ngân cho vay để đầu tư thức ăn nuôi cá trong toàn chuỗi liên kết là 470 tỷ đồng. “Nhờ quản lý tốt nguồn vốn, việc thực hiện trả gốc và lãi tiền vay cho Agribank An Giang được công ty và các hộ nông dân liên kết thực hiện thanh toán đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của ngân hàng, không có nợ quá hạn. Đến cuối tháng 2-2016, tổng dư nợ của toàn chuỗi liên kết là 243 tỷ đồng, đạt 58,4% tổng số tiền phê duyệt của dự án” – bà Trinh thông tin.
Theo Tổng Giám đốc Tafishco, từ khi bắt đầu dự án (tháng 8-2014) đến nay, sản lượng của vùng nuôi và nông dân liên kết đạt 17.400 tấn cá, tương đương giá trị 370 tỷ đồng, giúp công ty có nguồn nguyên liệu xuất khẩu ổn định. “Lợi nhuận của nông dân tham gia liên kết đạt từ 500 – 1.000 đồng/kg. Tùy theo kỹ thuật nuôi nhưng nhìn chung, lợi nhuận của nông dân trong chuỗi cao hơn nông dân tham gia chuỗi khoảng 500 đồng/kg” – bà Trinh nói thêm.
Trong bối cảnh nhiều hộ nuôi cá tra liên tục thua lỗ, không có vốn tái đầu tư sản xuất thì mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco được xem là điểm sáng. Không chỉ con cá tra mà lĩnh vực rau màu, chăn nuôi, vùng trồng lúa cũng cần xây dựng chuỗi liên kết theo hướng chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, chú trọng hơn vào chất lượng, tính cạnh tranh của nông sản…
“Cả nước có 22 địa phương được triển khai 30 dự án chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ nguồn vốn vay của NHNN Việt Nam. Trong đó, An Giang có 4 dự án thuộc vào nhóm có quy mô lớn nhất. Đây là bước đột phá trong hỗ trợ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp nên sắp tới sẽ được thể chế hóa thành chủ trương nhằm nhân rộng nhiều hơn” - Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình thông tin.