1 An Giang: Cá Nàng Hai được giá... nông dân lão cao.
Hiện thương lái ở khắp nơi lùng mua cá nàng hai để cung ứng cho thị trường. Cá có trọng lượng từ 0,5 - 0,8kg/con có giá từ 70.000 - 74.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Mưa, xã Phú Bình, huyện Phú Tân có trên 10 năm kinh nghiệm ương giống cá Nàng Hai chia sẻ, sau tết mới bắt tay vào vụ ương giống nên việc tái đàn sẽ kéo dài từ 2 - 3 tháng. Cá giống cỡ 6 - 8cm rất hiếm, có giá từ 2.000 - 2.500 đồng/con. Việc ương giống gặp nhiều khó khăn do thời tiết phức tạp làm cá hao hụt.
Cá bột được nuôi 2 - 3 tháng có thể bán làm cá giống. Hiện trung bình 15 - 20 ngày, ông Mưa xuất bán khoảng 60.000 - 70.000 con cá giống cho các trại giống ở Hậu Giang. Thời gian cao điểm (tháng 5 - 6), nhu cầu về cá giống cao, ông xuất khoảng 100.000 con.
Ông Mưa cho biết thêm: “Mỗi năm, tôi bán cho các trại giống ở Hậu Giang trên dưới 2 triệu con giống, với giá 2.000 - 3.000 đồng/con. Mặc dù vốn ban đầu bỏ ra khá lớn, chi phí mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng nhưng lợi nhuận khá cao, khoảng 700 triệu đồng”.
2. Bến Tre: Phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn
Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn lên khoảng 500 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ các hộ nuôi phát triển diện tích.
Nuôi tôm 2 giai đoạn là mô hình nuôi kỹ thuật cao, quy trình khép kín, ít chịu tác động của thời tiết; nhờ đó tỷ lệ thành công cao, năng suất bình quân 60 tấn/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu lớn, khoảng 100 triệu đồng/ao nuôi 1.500m2. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại để có những chính sách giúp các hộ nuôi vay vốn đầu tư; phối hợp với điện lực tỉnh đảm bảo cung cấp đủ điện cho mô hình và phối hợp với các công ty có uy tín, kỹ thuật đã thực hiện thành công mô hình này để hướng dẫn người dân.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, quản lý môi trường và chất lượng nước các vùng nuôi trồng thủy sản, thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch con giống, thức ăn.
3. Bắc Ninh: 11 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhập VietGap
Vừa qua, 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh được các tổ chức đánh giá, công nhận và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap.
Cơ sở nuôi cá lồng trên sông của anh Đỗ Đăng Năng thôn Thụy Mão, Mão Điền, Thuận Thành vừa được chứng nhận VietGap.
Trong đó có 9 cơ sở nuôi trong ao đất tại xã Lạc Vệ, Tiên Du với diện tích 13,9 ha và 2 cơ sở nuôi cá lồng trên sông tại xã Mão Điền, Thuận Thành với diện tích 0,75ha mặt nước nuôi 135 lồng cá. Đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn các cơ sở thực hiện Quyết định 46/2016/QĐ-UBND đồng thời tiếp tục nâng cấp hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi với nhau để có thể sản xuất theo chuỗi và thực hiện chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi.
4. Vạn Ninh: Đề nghị bổ sung vùng nuôi trồng thủy sản
UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo đó, huyện Vạn Ninh thống nhất với Quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển tại địa bàn tỉnh mà UBND tỉnh mới ban hành. Tuy nhiên, quy định tạm thời vùng nuôi còn thiếu khu vực nuôi trồng thủy sản đã thống nhất trong biên bản làm việc giữa huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan là khu 1 (vị trí 3): phía đông Hòn Lớn: bãi Búa, bãi Gạo, diện tích khoảng 50ha. Để tạo điều kiện cho nhân dân địa phương có cơ sở đầu tư phát triển sản xuất nuôi lồng, bè trên biển, huyện đề nghị sở xem xét, tham mưu UBND tỉnh bổ sung vào quy định khu vực nuôi tạm thời đã được ban hành.
Theo quyết định của UBND tỉnh, vịnh Vân Phong có 6 vị trí nuôi thuộc vùng nước xã Vạn Hưng, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), với tổng diện tích khoảng 540ha.