Bà Lưu Thị Hồng Thảo, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Do nuôi tôm trúng mùa, nên một số diện tích bà con lại thả nuôi tiếp. Để vận động nông dân lấp lại vụ lúa trên nền tôm, chúng tôi đã thí điểm mô hình tôm – lúa trên nền ao nuôi tôm sâu nhưng vẫn lấp lại được lúa, để bà con thấy hiệu quả mà làm theo”.
Ông Nguyễn Văn Quyền ở xã Hòa Tú 2, chia sẻ: Hơn 3 tháng trước, khi quyết định sạ lại lúa trên nền 6 công đất ao nuôi tôm của gia đình, bà con xung quanh ai cũng nói không nên vì năm nay tôm có giá, ai cũng muốn tiếp tục nuôi tôm. Ông Quyền cũng công nhận, với 6 công đất làm 2 ao thả tôm, mỗi ao lời từ 40 – 50 triệu đồng. Trong khi làm 6 công lúa, trúng lắm cũng lời chỉ khoảng 15 triệu đồng, nhưng theo ông: “Qua nhiều năm canh tác, tôi thấy mô hình tôm- lúa rất hiệu quả. Sau vụ tôm chính thay vì để đất trống thì sạ lại lúa để có thêm thu nhập và góp phần cải tạo đất cho vụ nuôi tôm tiếp theo. Nếu cứ nuôi tôm liên tục, mầm bệnh lưu tồn trong đất, nuôi sẽ không hiệu quả”.
Trước nay, muốn sạ lại lúa trên nền ao nuôi tôm, nông dân tốn khoảng 300 – 500 ngàn đồng tiền nâng nền đất cao lên để lúa không bị ngập nước quá sâu không phát triển được; nhưng vụ lúa này, được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, ông Quyền mạnh dạn sạ thử lúa trên nền ao sâu với giống lúa LP5 chịu mặn khá, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, ước năng suất 5 tấn/ha, được đặt mua với giá 6.000 đồng/kg, ông Quyền lời khoảng 2 triệu đồng 1 công; nhưng quan trọng là môi trường được cải tạo, rất tốt cho vụ nuôi tôm tiếp sau.
Bên cạnh đó huyện Mỹ Xuyên đã phối hợp Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng trồng khảo nghiệm hơn 100 giống lúa chịu mặn chất lượng cao, làm cơ sở nhân giống cung cấp cho nông dân; liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào, đầu ra để bà con tích cực phối hợp với ngành chức năng duy trì ổn định mô hình luân canh tôm - lúa - được xem là lợi thế của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.