Hệ quả của nuôi tôm thâm canh
Việt Nam là nước xuất khẩu tôm đứng hàng thứ ba thế giới và hơn 15 năm trước, nhiều nông dân trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang nghề nuôi tôm. Nhưng xem ra những kỹ thuật thâm canh làm tổn hại môi trường quá nhanh đến độ thiên nhiên không kịp phục hồi, mặt khác cũng mang đến cho người nuôi nhiều rủi ro song song với việc đầu tư lượng vốn rất lớn. Nhưng tiến trình đẩy mạnh nuôi tôm thâm canh không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà tại hầu hết các nước Đông Nam Á.
Một làn sóng phát hoang rừng sát đã diễn ra trong các năm đầu ở hầu hết các bờ biển nơi vốn là môi trường tự nhiên của các loài tôm, và rồi tiếp theo là một làn sóng phá bỏ lúa dẫn nguồn nước lợ vào ruộng để nuôi trong môi trường nhân tạo. Việc phá rừng đặt các bờ biển trước sự đe dọa xâm thực bởi những cơn sóng biển và những trận bão. Trên thực tế làm gia tăng ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu nơi các tiểu vùng và đặt nghề nuôi tôm trước những thách thức của thiên nhiên.
Càng tiến sâu vào đất liền, nghề nuôi tôm thâm canh càng lệ thuộc vào nguồn nước ngầm. Người nuôi đã đào những ao lớn, trải bạt chống thấm lên nền, khoan giếng lấy nước mặn trong các tầng ngầm bổ sung cho nguồn nước nuôi tôm. Bản thân đồng bằng châu thổ sông Cửu Long đang lún chìm, nhưng tốc độ lún chìm ở những nơi nghề nuôi tôm phát triển đang gia tăng nhanh. Những báo cáo cho biết trong khoảng năm 2010 đến 2015, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long về phía Việt Nam đã lún thêm 10 cm, và khoảng 300 ha đất bờ biển đã biến mất do xâm thực kể từ 2005.
Chu trình nuôi tôm thâm canh sẽ tiếp tục diễn biến xấu. Nước thải sau mỗi vụ thu hoạch lại được thải ra nguồn nước, không qua xử lý, và các nông dân khác lại lấy đó để bơm lên ruộng. Nên nhớ rằng để loại bỏ rong rêu và nguồn hữu cơ mùn nát trong ao người ta đã bơm vào nước những hóa chất. Và để giữ cho con tôm khỏi bệnh, tăng trưởng nhanh, người ta đã đưa vào đó những kháng sinh, mà một trong số những kháng sinh đó nay đã bị cấm. Chính vì thế Nhật Bản đã đặt tôm Việt Nam vào diện kiểm soát từng lô hàng chứ không phải chỉ 30% như trước đây.
Nuôi tôm sinh thái là giải pháp
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong giai đoạn 1998-2017 tăng từ mức 453 triệu đô la Mỹ lên 3,85 tỉ đô la, và diện tích nuôi tôm ước tăng lên 710.000 hecta vào năm 2020 rồi 750.000 hecta năm năm sau đó. Cùng với đó là sự gia tăng sản lượng tôm từ 850.000 tấn năm 2020 lên 1,15 triệu tấn năm 2025. Và, quan trọng nhất là biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra là nuôi tôm sinh thái trên quy mô công nghiệp, song song với việc loại dần hóa chất và kháng sinh ra khỏi những ruộng tôm thâm canh.
Hàng chục năm trước, nuôi tôm sinh thái được nhiều nông dân thử nghiệm ngay trong các ruộng lúa của mình, nhưng lúc bấy giờ loại tôm này chưa có những sự hỗ trợ và thị phần riêng. Sau đó, Hiệp hội quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (IUCN) đã đưa ra kế hoạch, bắt đầu từ 2013, lấy tên là “Rừng sác và Thị trường” (Mangroves and Markets). Các nông dân được đào tạo để nuôi tôm giữa các dòng chảy bên trong rừng sát chứ không phải trên những dòng sông chính. Ở đây con tôm lớn lên cùng với hệ sinh thái tự nhiên cùng với các thủy sản khác như sò, trai và hàu. Rừng cây sẽ giúp duy trì độ mặn, giữ lại phù sa và ngăn ngừa xói mòn.
Phương pháp nuôi này làm giảm rất lớn chi phí cho các nông dân, vì con tôm tự tìm thức ăn trong thiên nhiên, người nuôi cũng không phải xử lý nước và chi phí bổ sung kháng sinh chống bệnh cho tôm chỉ ở mức tối thiểu. Phương pháp này cũng đòi hỏi rất ít công sức lao động, và quan trọng hơn hết là từ nay sản phẩm từ nuôi tôm sinh thái được chứng thực bởi Naturland, một cơ quan chứng thực thị trường uy tín đặt tại Đức.
Giá tôm sinh thái cao hơn giá tôm công nghiệp
Ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản bền vững, cho biết giá tôm sinh thái nay cao hơn giá tôm công nghiệp trong khoảng từ 0,86 đến 1,3 đô la Mỹ một kg. Cũng theo ông Lập, năm 2016 đã có 2.000 hộ nông dân được cấp chứng chỉ xác nhận nuôi tôm sinh thái, và sẽ có thêm khoảng 3000 hộ khác được cấp phép cho đến 2019.
Trong tổng thể, nuôi tôm sinh thái có thể tạo việc làm cho khoảng 700.000 người tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội quốc tế Bảo vệ thiên nhiên cho rằng tích hợp nuôi tôm vào môi trường rừng sát ven biển là giải pháp thực tế vừa giải quyết vấn đề môi trường đồng bằng sông Cửu Long, vừa tạo sự ổn định tài chính cho những người nuôi tôm tại đây. Cuối cùng, việc đạt mục tiêu xuất khẩu không chỉ là sản lượng hay diện tích, mà còn là hiệu quả mà việc nuôi tôm sinh thái sẽ cho thấy ưu thế của nó.