Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hút bùn trong vuông tôm không thải bùn ra sông, kênh rạch, từ đó, các tổ chức, nhiều hộ gia đình thực hiện khá nghiêm túc. Ông Huỳnh Ngọc Lâm (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) có 1,2ha đất nuôi thủy sản, chia sẻ: “Qua một vụ nuôi tôm, lượng thức ăn thừa và các chất cặn bã tích tụ ở đáy ao rất nhiều. Nếu mình không cải tạo ao mà tiếp tục thả nuôi thì nguy cơ tôm bị thiệt hại rất cao. Còn nếu sên vét mà không bao ví, để bùn tràn ra xung quanh, khi các hộ nuôi tôm lân cận lấy nước vào ao thì coi như mình hại người ta. Vì vậy, khi cải tạo ao, tôi rất cẩn thận, không để thải chất bùn ra xung quanh”.
Cũng như hộ ông Lâm, hộ ông Nguyễn Văn Đắc (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) thực hiện nghiêm túc các quy định của chính quyền địa phương về việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình cải tạo ao đầm. Theo ông Đắc, việc bao ví bùn thải không những tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn giúp gia đình ông tận dụng nguồn đất để lên liếp trồng rau màu, góp phần cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Đắc bày tỏ: “Lúc trước, gia đình tôi cũng như nhiều bà con trong ấp, mỗi khi cải tạo ao là sên bùn đổ thẳng ra sông. Việc làm này vừa lãng phí đất vừa gây ô nhiễm môi trường. Vụ nuôi tiếp sau đó, tôi lại lấy nước từ con sông trước đây đã xả thải bùn vào ao nuôi. Do vậy tôm nuôi chết rất nhiều. Giờ thì mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh môi trường nuôi, nhất là không còn ai thải bùn ra sông”.
TP. Bạc Liêu hiện có 6.247ha nuôi thủy sản; trong đó, diện tích đang cải tạo là 800ha. Để giúp bà con chủ động trong việc cải tạo ao đầm cũng như thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật để có vụ nuôi tôm thành công, thời gian qua, cán bộ kỹ thuật của Phòng Kinh tế thành phố luôn bám sát địa bàn để hướng dẫn bà con. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho biết: “Mỗi năm 2 lần, bà con nuôi tôm trên địa bàn thành phố cải tạo lại ao đầm nuôi tôm. Tuy nhiên, không ít hộ chưa nắm được các quy trình xử lý ao nuôi; vì thế, đơn vị phải cử cán bộ kỹ thuật đến tận nơi hướng dẫn bà con. Bên cạnh đó, đơn vị còn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách cải tạo từng vùng đất. Từ đó, giúp bà con có lựa chọn phù hợp trong việc cải tạo ao nuôi tôm của mình”.