Mô hình nuôi tôm hữu cơ của ông Nguyễn Mạnh Hùng (ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ). Hệ thống được đầu tư sản xuất từ năm 2015, với quy mô sản xuất hiện nay đạt 5ha. Trong căn chòi canh cạnh vuông tôm, ông Hùng vừa rót trà vừa chia sẻ: Nếu như trước kia, cũng vì ham sản lượng mà nuôi tôm bằng nhiều loại kháng sinh, thuốc thú y thủy sản… Thì nay không ngờ rằng, khi chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang tôm hữu cơ, sản lượng tôm của mô hình đạt bình quân 15 tấn/năm, việc nuôi tôm cũng an nhàn hơn, thoải mái hơn. “Nuôi tôm hữu cơ, tới lứa là các công ty như CP, Co.opmart với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đặt hàng mua ngay. Hiện tại, doanh thu của gia đình khoảng 2 tỷ đồng/năm, trừ các chi phí, lợi nhuận còn lại trên 500 triệu đồng/năm”- ông Hùng vui vẻ nói.
Thêm nhiều “triệu phú”
Không chỉ ông Hùng, mô hình nuôi tôm hữu cơ đang được ngành nông nghiệp huyện Cần Giờ định hướng sẽ mở rộng cho thêm nhiều hộ nữa. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp chính của địa phương nên cũng được nhiều “ưu tiên”. Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Hiện có 5 hộ áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ hữu cơ trên diện tích hơn 9,5ha tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông và xã Lý Nhơn. Đây là mô hình nuôi có hiệu quả, chi phí thấp, tôm nuôi đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ít ô nhiễm môi trường.
So với mô hình nuôi công nghiệp thông thường, nuôi tôm hữu cơ có giá thành thấp hơn 20%, không sử dụng hóa chất, kháng sinh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ thành công cao qua nhiều vụ nuôi, mang lại lợi nhuận trung bình 43,51 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi hiệu quả đã giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, nâng chất lượng sống của gia đình. Việc nhân rộng mô hình nuôi tôm hữu cơ là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị. Cũng theo ông Dũng, ngoài nuôi tôm hữu cơ, một số mô hình sản xuất đã được nghiên cứu, thí điểm, trình diễn tại Cần Giờ trong thời gian qua như nuôi yến, cá dứa, cua thịt... tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Huyện cũng đã làm việc và thống nhất Sở NNPTNT để giảm còn gần 700ha và chuyển gần 1.500ha đất sản xuất muối sang các mô hình khác ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật, đồng thời, quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với diện tích vùng nuôi được quy hoạch là 2.400ha.