Được biết, từ giữa tháng 8/2013 đến ngày 6/10/2013, tại 14 tỉnh, thành phố tình hình dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là trên tôm, có giảm nhưng vẫn gây tổn thất nặng nề cho người nuôi.
Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương chưa có quy hoạch, người dân đã tự ý chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nhưng lại chưa đầu tư tương xứng về hạ tầng.
Một số địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh thủy sản nên không chủ động được việc giám sát dịch và môi trường nuôi. Ý thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi trồng thủy sản còn hạn chế trong khi công tác tập huấn tuyên truyền còn nhiều bất cập.
Dịch bệnh còn chưa được giải quyết tận gốc còn do một số tỉnh thành chưa có bộ máy quản lý thú y thủy sản thống nhất, công tác phòng chống dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được lực lượng cán bộ làm công tác thú y trực tiếp hoặc tham gia triển khai công việc thú y thủy sản đến tận cấp xã, phường.
Nhằm sớm khắc phục những tồn tại này, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng về phê duyệt kế hoạch hằng năm với các nội dung chính như: Thứ nhất, giám sát chủ động để phát hiện sớm các loại dịch bệnh; quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh thủy sản giống, giám sát vùng nuôi; tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm xây dựng bản đồ dịch tễ và tập huấn thông tin tuyên truyền; kiểm tra xử lý vi phạm.
Thứ hai, triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh thủy sản, nhất là dịch bệnh quan trọng trên tôm như bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy, bệnh sữa, gan thận mủ và bệnh do Perkisus ở nhuyễn thể mảnh hai vỏ.
Cần phân công cán bộ kỹ thuật kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người nuôi để có thể phát hiện và báo cáo tình hình dịch bệnh sớm. Tập trung giám sát vùng nuôi, tăng cường quan trắc và cảnh báo môi trường để thông báo cho người nuôi phòng trừ dịch.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch thủy sản giống, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh giống thủy sản, tổ chức lấy mẫu, giám sát định kỳ tại cơ sở...
Cùng với đó là việc đẩy mạnh tập huấn cho người nuôi, tổ chức thông tin nâng cao nhận thức cho hộ nuôi và kinh doanh, định kỳ họp tổng kết, phân tích tình hình dịch bệnh...
Thứ ba là việc kiểm gia giám sát chặt chẽ sản xuất kinh doanh sử dụng thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm hóa chất dùng trong thú y thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, hướng dẫn hộ nuôi sử dụng hóa chất và chế phẩm có hiệu quả.
Các địa phương phải thống nhất phân công công tác quản lý thú y thủy sản theo đúng các quy định đã ban hành. Cùng với đó là xây dựng hoặc rà soát điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với cơ cấu đối tượng nuôi và điều kiện của từng địa phương.