Tận dụng “ao treo”
Huyện Châu Phú là nơi có số lượng người nuôi, cũng như số ao nuôi cá tra nguyên liệu lớn nhất tỉnh An Giang với tổng diện tích gần 500ha. Tuy nhiên, do giá cá giảm liên tục, người nuôi cá thua lỗ nặng, diện tích nuôi cá đã giảm hơn 80%. Ông Nguyễn Văn Xinh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Phú cho biết: “Riêng huyện Châu Phú đã có khoảng hơn 200ha (diện tích mặt ao) đang ở trong tình trạng “ao treo” (bỏ không). Nếu tận dụng diện tích “ao treo” này, nông dân sẽ tiết kiệm được khá lớn chi phí đầu vào như chi phí đào ao, vệ sinh ao và một số chi phí lặt vặt khác…”.
Ông Lê Duy Tân, nông dân đang thả nuôi 2 ao tôm cho biết: “Tôi thấy có giống mới (tôm càng xanh toàn đực) nhiều người đã nuôi, vả lại mình đang có 2 ao bỏ trống với diện tích khoảng 9.000m2 (diện tích mặt nước ao nuôi), nên quyết định đầu tư nuôi. Trước mắt, cũng đỡ phải bỏ tiền đào ao, tiết kiệm được cả gần trăm triệu đồng”. Hiện anh Tân đã thả nuôi tôm được 6 tháng và đang bắt đầu thu hoạch. “Nếu được như những mẻ đầu (những mẻ lưới lần đầu thu hoạch tôm), trung bình 1.000m2 thu được từ 190-200kg tôm, theo giá bán hiện nay, trừ hết chi phí lãi 14 triệu đồng”- anh Tân nhẩm tính.
An Giang hiện chỉ mới có 1 vùng nuôi tôm nguyên liệu (gần 300ha ở huyện Thoại Sơn), nhưng là nuôi tôm trên ruộng lúa. Việc triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao hầm có thể khuyến khích nông dân tận dụng “ao treo” đang bỏ phí. Ông Xinh khẳng định: “Trước mắt, chúng tôi chọn 150ha ở huyện Châu Phú quy hoạch vùng nuôi tôm nguyên liệu thứ hai của tỉnh An Giang, nhưng là tôm ao”.
6 tháng, 1ha, 180 triệu đồng
Đó là những con số trong biên bản buổi sơ kết thí điểm mô hình nuôi tôm toàn đực trong ao ở huyện Châu Phú, An Giang. Theo đó, cứ 1ha nuôi tôm càng xanh toàn đực sau 6 tháng sẽ thu hoạch, trừ chi phí lãi khoảng 180 triệu đồng. Chúng tôi đã đến tìm hiểu mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực của ông Lê Công Danh, ấp Thạnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú. Ông Danh đã thả nuôi 1,2ha tôm càng xanh toàn đực, được 7 tháng và đang thu hoạch. “Thật ra, nếu chăm sóc tốt thì 6 tháng đã thu hoạch được với giá bán đầu vụ là 220.000 đồng/kg. Thực tế, hầm tôi thu hoạch sản lượng trung bình khoảng 200kg/công (1.000m2). Trừ chi phí tôm giống, thức ăn, điện bơm nước, công chăm sóc, kể cả lãi suất ngân hàng trong 7 tháng, tính ra hầm 4 công đất của tui lãi được 60 triệu đồng”.
Vừa qua, Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp cùng Công ty TNHH dịch vụ - thương mại - sản xuất Bước Tiến Xanh tại TP.Hồ Chí Minh (Green Advance Co., LTD) và Tập đoàn Tiran - Israel đã sản xuất thành công tôm giống càng xanh toàn đực tại An Giang. Hiện nay trung tâm đang có đủ nguồn để cung cấp giống không chỉ cho vùng nuôi tôm nguyên liệu An Giang mà cả các vùng lân cận. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang, cho biết: “Đến hết năm 2013, trung tâm có khả năng sản xuất cung cấp cho thị trường 25 triệu con giống tôm càng xanh toàn đực. Hiện giá con giống là 360 đồng/con”.