Qua tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao, người nuôi nhận thấy những ưu thế vượt trội của đối tượng này so hàu bản địa và các loài hàu khác như: Dễ chăm sóc, quản lý, vỏ mỏng nhưng ruột lớn, hình dáng đẹp nên được khách hàng ưu chuộng. Chính vì vậy, người dân quanh đầm Nại đã bắt đầu phát triển mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao thời gian qua. Kéo theo đó nhu cầu con giống của người nuôi tại Ninh Thuận và một số tỉnh khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu và Quảng Nam tăng cao.
Năm 2017, Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh sản xuất giống hàu Thái Bình Dương; đến tháng 8/2017, Trung tâm đã sản xuất được 6.536.250 con giống đạt 108,93% so kế hoạch năm, đáp ứng phần lớn về nhu cầu con giống chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 6 năm liên tục thất bại với nghề nuôi hàu tự nhiên, đầu năm 2017, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) quyết định chuyển sang nuôi 15.000 hàu giống Thái Bình Dương. Theo đó, con giống được cấy sẵn lên các giá thể (vỏ) hàu, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất, sản lượng ổn định. Mặt khác, hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 5 - 6 tháng nuôi cho thu hoạch, có khả năng thích ứng tốt tại vùng nuôi, đồng thời không gây ô nhiễm cho môi trường. Lứa hàu đầu tiên cho thu hoạch hơn 3 tấn, giá bán 20.000 - 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị còn lãi hơn 30 triệu đồng.