Ông Nguyễn Thành Nhơn kiểm tra lồng bè nuôi tôm, cá của mình - Ảnh: N.QUANG
Năm 1996, ông thấy nhiều hộ trong thôn nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, ông nuôi thử 11 con tôm hùm và thu được kết quả tốt. Từ đó ông đã cùng các anh em trong gia đình đầu tư vốn làm lồng, thả nuôi 800 con tôm hùm, qua 18 tháng nuôi, sau khi trừ chi phí, lời 320 triệu đồng, ông được chia 80 triệu đồng. Năm 2000, ông vay mượn thêm vốn của bạn bè nuôi 3.400 con tôm, nhưng không may bị cơn bão số 8 năm 2001 phá hủy toàn bộ, vợ chồng ông lâm vào cảnh trắng tay, ông đành chuyển sang làm thợ tiện để mưu sinh. Năm 2005 ông Nhơn tiếp tục nuôi hơn 1.000 con tôm hùm từ số vốn ít ỏi tích góp được từ làm thợ tiện và vay thêm người thân, ngân hàng. Năm 2006, ông lãi 200 triệu đồng, năm 2009 và 2010 lãi gần 3,7 tỉ đồng từ con tôm hùm, nhờ vậy ông hết nợ, xây dựng nhà khang trang và cho các con học tập ở TP Hồ Chí Minh.
Qua quá trình nuôi tôm hùm, ông Nhơn đã rút ra một số kinh nghiệm: Nên chọn vị trí nuôi ở đầm, vịnh, vũng có độ sâu từ 7m trở lên, nên chọn mua con giống ngay tại địa phương cho đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm không bị sốc nước và thích nghi với điều kiện môi trường. Trong quá trình nuôi phải sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, cho tôm ăn chủ yếu là các loại cá, giáp xác và nhuyễn thể còn tươi. Thức ăn phải được rửa sạch trước khi cho ăn, thực hiện đúng phương pháp cho tôm ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối, theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị.
Từ việc nuôi tôm hùm, ông Nhơn giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 12 lao động địa phương với thu nhập ổn định bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương.