Ở vùng nuôi tôm dọc tuyến đường Cổ Mã - Đầm Môn, nhiều ao nuôi đã bắt đầu thu hoạch, xe đông lạnh chờ sẵn để đóng hàng. Ông Ngô Khắc Chí (thôn Tuần Lễ) đang huy động hơn chục lao động thu hoạch tôm trên diện tích ao 3.000m2. “Từ sáng đến giờ đã bắt gần 10 tấn tôm, nhưng vẫn còn khoảng 2 tấn dưới ao. Với giá bình quân 116.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 800 triệu đồng”, ông Chí cho biết. Được biết, đợt 1, ông Chí thả 60 vạn con tôm giống, nhưng thu lãi ít vì thời tiết nắng nóng, tôm chậm lớn. Bước sang đợt 2, thời tiết thuận lợi, ông thả hơn 80 vạn giống. Nhờ tuân thủ nguyên tắc an toàn dịch, chú ý chăm sóc, theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển nên tôm ít bị hao hụt.
Theo các hộ nuôi, đợt thả thứ 2 có đến 80% hộ thắng lợi, trong đó nhiều hộ lãi hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như hộ ông Đỗ Thanh Tiến (thôn Tuần Lễ) thu hoạch ao nuôi 3.500m2, đạt sản lượng 14 tấn, kích cỡ 50 con/kg. Với giá bán 150.000 đồng/kg, ông lãi hơn 1 tỷ đồng. Ông đang tiếp tục cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả tiếp đợt 3. Ông Tiến cho biết, sở dĩ vụ tôm này gia đình ông nuôi có lãi bởi quản lý nguồn nước tốt, chọn con giống thả nuôi có nguồn gốc.
Theo ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, vùng nuôi tôm Tuần Lễ có tổng diện tích hơn 40ha, sản xuất theo công nghệ trải bạt, đầu tư thâm canh cao. Thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và các công ty sản xuất giống chuyển giao kỹ thuật, người nuôi tôm đã ý thức được kỹ thuật nuôi, chỉ lấy giống từ các công ty có chất lượng, quan tâm làm hồ xử lý kỹ nguồn nước nên tôm ít dịch bệnh. Vụ nuôi năm 2016, ở đợt 1, người nuôi thả hết diện tích 40ha (thôn Tuần Lễ), kết thúc đợt khoảng 60% hộ có lãi. Còn đợt thứ 2, người nuôi bắt đầu thả giống đầu tháng 2 âm lịch. Thời tiết lúc này dịu hơn nên tôm ít dịch bệnh, lớn nhanh và hầu hết các hộ thu hoạch đều có lãi. Cá biệt có hộ trúng đậm hơn 10 tỷ đồng như hộ ông Trần Nga. “Do nuôi tôm có lãi nên sau khi các hộ thu hoạch xong đã nhanh chóng cải tạo ao tiếp tục thả nuôi đợt tiếp theo”, ông Khánh nói.