* Thị trường Úc rất quan tâm đến vấn đề đánh bắt hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Úc, thị trường Úc vô cùng quan trọng với nước ta, đặc biệt là thủy sản, nhưng thực tế còn cách xa so với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp nước ta.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy
Bà Thúy giới thiệu tổng quan về thị trường Úc: Diện tích 7,6 triệu km2, dân số 24 triệu dân, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2016 là 700 tỷ đô la Úc (AUD) (nhập khẩu hơn 343 tỷ, xuất khẩu gần 329 tỷ). Úc là đối tác vô cùng quan trọng của nước ta, bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và là bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Theo chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng thứ 14 của Úc cả về nhập khẩu và xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc còn cách xa so với tiềm năng của nước ta và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của phía bạn.
Đặc biệt là thủy sản nước ta có tiềm năng lớn ở thị trường Úc. Hiện nay, một năm Úc tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn, trong khi sản lượng thủy sản (gồm cả nuôi và khai thác) của Úc chỉ đạt 220.000 - 280.000 tấn. Nhưng giá thủy sản của Úc rất cao nên họ lại giành đến 22% khối lượng để xuất khẩu, và nhập khẩu thủy sản giá rẻ. Cho nên hàng năm, Úc nhập khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng thủy sản trong nước.
Kết quả xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Úc đã đạt được như thế nào, thưa bà?
Tăng trưởng khá tốt trong nhiều năm qua, nhất là tôm. Năm 2016, tôm Việt Nam xuất sang Úc đạt 105,78 triệu USD, chiếm 31,7% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Úc, đứng đầu trong các nước xuất tôm cho Úc. Còn tính tổng thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ tư cung cấp cho thị trường Úc; năm 2016 đạt 185,9 triệu USD, chiếm 11,3%; sau ba nước là Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand. Những mặt hàng thủy sản của nước ta sau con tôm có cá tra, cua ghẹ, cá ngừ cũng tăng trưởng tốt. Riêng về cá tra, năm 2016, Việt Nam chiếm 96,94% thị phần Úc.
Với kết quả đó, tại sao chưa thể như kỳ vọng?
Tôm của Việt Nam hiện nay xuất sang Úc hầu hết là chế biến, chưa xuất được tôm tươi mà thị trường Úc lại đang ưa chuộng tôm tươi. Còn cá tra, hầu như độc quyền thị trường nhưng năm 2016, giá trị chỉ hơn 17 triệu USD. Tổng cộng, thủy sản của nước ta chiếm khoảng 11,3% thị phần nhập khẩu của Úc nhưng mới bằng một nửa của Thái Lan.
Vậy nguyên nhân chính do đâu?
Do doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đáp ứng qui định kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của Úc. Như với tôm tươi, quy định của Úc, nếu 5 lô hàng đầu kiểm tra 100% mà không vi phạm sẽ được hạ xuống tỷ lệ kiểm tra 50% rồi 25% cho nhiều lô hàng tiếp theo, nếu không vi phạm sẽ chỉ kiểm tra 5%; nhưng phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp đó lại bị kiểm tra nghiêm ngặt từ đầu.
Cty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N ở quận Cái Răng (Cần Thơ) chuyên nuôi và chế biến cá thát lát. Bà Nguyễn Ngọc Thùy Dương quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu của Cty vừa tham gia chuyến công tác ở Úc cho biết: “Chúng tôi đã tìm được đối tác ở Úc để tháng 12 này xuất khoảng 5 container (loại 10 tấn, giá trị 50.000 USD) cá thát lát rút xương, sang năm 2018 dự kiến xuất 100 container. Cá thát lát là đặc sản của ĐBSCL nhưng chỉ nhà máy chế biến của chúng tôi có công nghệ rút xương”.
Với cá tra, doanh nghiệp của ta cạnh tranh lẫn nhau để hạ giá từ 4 - 5 USD/kg, xuống còn khoảng 1 USD/kg. Khi hạ giá thì đối tác nhập khẩu ở Úc cũng không mặn mà vì lợi nhuận bị hạ xuống, và nghiêm trọng hơn là dẫn tới tình trạng gian lận. Một thống kê của Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Úc cho biết, có 85% doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra vào Úc không đúng trọng lượng (thiếu cân), lại dùng phụ gia giữ nước làm cho miếng thịt cá tra không còn là cá tra nữa.
Úc rất chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm với qui định nghiêm ngặt và còn chú trọng cả an toàn sinh học. Thị trường Úc cũng quan tâm đến vấn đề đánh bắt hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ở Úc không chỉ tàu thuyền đánh bắt trên biển phải có giấy phép mà câu cá cũng phải có giấy phép. Bản thân tôi đi câu cá phải xin giấy phép, trong đó quy định một ngày được câu bao nhiêu con, kích cỡ từng con như thế nào.
Thưa bà, văn hóa ứng xử của doanh nghiệp ta như thế nào?
Đó là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt khi xuất khẩu thủy sản vào Úc. Tuy nhiên, theo tôi, những vấn đề đó vẫn tương đối dễ khắc phục hơn tình trạng vi phạm hợp đồng và văn hóa ứng xử của các doanh nghiệp Việt Nam.
Văn hóa ứng xử của một số doanh nghiệp Việt Nam vô cùng kém. Tôi xin nói thẳng, tôi thường nhận được khiếu nại vi phạm hợp đồng, lỗi do doanh nghiệp Việt Nam gian lận và mỗi lần như thế là rất xấu hổ. Trong khi, doanh nghiệp Thái Lan ít lỗi hơn và mỗi lần xảy ra đều chịu trách nhiệm đền bù thỏa đáng, còn với doanh nghiệp Việt Nam thường cãi cọ dùng lời lẽ thiếu văn hóa. Tôi kể một trường hợp điển hình như thế này, doanh nghiệp hai bên thương thảo làm ăn, không thành nên trao đổi qua email để xử lý thiệt hại ban đầu, phía Việt Nam viết: "Sao mày ngu xuẩn thế, mỗi khi mày mở mồm ra phải biết suy nghĩ chứ!".
Nhận hồ sơ khiếu nại, tôi muốn chui đầu xuống đất!
Nâng cao văn hóa kinh doanh quả là vấn đề lớn để tham gia thị trường toàn cầu, không chỉ ở Úc, cảm ơn bà đã trao đổi thẳng thắn. Tuy nhiên, như bà nói là thị trường Úc vô cùng quan trọng và cần phải khai thác, cụ thể doanh nghiệp cần làm gì?
Tôi nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản Úc, trước tiên cần chế biến được hàng tốt dù giá cao để đưa vào thị trường Úc. Hàng tốt để tạo uy tín ngay từ ban đầu tham gia thị trường, và đó là xuất phát điểm tốt để đảm bảo thành công về sau.
Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh: Internet)
Chế biến sản phẩm cần nghiên cứu để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam đã có điển hình thành công như Vĩnh Hoàn, thuê đầu bếp giỏi người Úc chế biến các món ăn cá tra để xuất khẩu vào Úc. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu, chủ động quảng bá vùng xuất xứ hàng hóa như thành công của tôm sinh thái Cà Mau. Phải đa dạng hóa sản phẩm, và một doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên làm ăn với một đối tác tin cậy ở Úc, tránh tình trạng như cá tra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xúm vào chế biến phi lê đông lạnh và bán cho một đối tác Úc dẫn đến cạnh tranh nhau, làm hại nhau, làm hại sản phẩm quốc gia.
Xin hỏi bà câu cuối, Thương vụ Việt Nam tại Úc có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp Việt Nam xuất thủy sản sang Úc?
Các hoạt động hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Úc gồm: đàm phán với bạn mở cửa thị trường, nghiên cứu thị trường và cảnh báo chính sách, hỗ trợ thông tin, kết nối doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm. Chúng tôi có trang Web được cập nhật hàng ngày và luôn sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!
Cần Thơ vừa tổ chức chuyến xúc tiến thương mại ở Úc và GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Hội chợ triển lãm Cần Thơ, ông Nguyễn Khánh Tùng đánh giá: “Với thị trường có quy mô như Úc mà nguồn cung hàng thực phẩm (nhất là thủy sản) còn hạn chế, thì tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam rất lớn. Thị trường Úc đòi hỏi cao về nguồn gốc hàng hóa và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được, gây mất uy tín một lần thì những lần sau sẽ bị kiểm tra rất kỹ và khó khăn. Vì vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết”.
Tham gia tổ chức chuyến công tác của Cần Thơ là Cty Tiến Thịnh International Migration&Investment Consulting (100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn về di trú, kinh doanh và đầu tư ở Úc, đã mở chi nhánh tại Việt Nam). GĐ Lê Thanh Tùng bày tỏ: “Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Úc, đây là thị trường tiềm năng lớn trong nhiều năm tới. Hiện tại khá lạc quan vì thấy nỗ lực của một số doanh nghiệp Việt Nam kiên quyết vượt qua tình trạng chụp giựt để làm ăn lâu dài ở Úc”.