Với người dân biển Thuận An, cá trích không phải là sơn hào hải vị quá xa xỉ, thậm chí còn được xem là món ăn bình dân nhất so với những loài cá, tôm biển. Nhưng đối với người thành phố hay miền khác, có lẽ, phải nếm thử mới thấy được vị đậm đà của biển.
Mùa cá trích bắt đầu vào khoảng giữa tháng Giêng đến cuối tháng Ba (Âm lịch), và đặc biệt chỉ có vào khoảng từ chập tối đến giữa khuya. Khi những ghe thuyền vào bờ, tiếng ngư dân rũ lưới lục đục vào khoang thuyền, hàng ngàn con cá trích còn bóng nhẫy, giãy lạch đạch trên khoang mới vui tai chi lạ.
Cá trích có giá trị thấp, chủ yếu dùng làm mồi câu cá lớn nên người ta bán đi số lượng lớn, còn giữ lại một ít dùng làm quà biếu nhau, cùng bày những bàn tiệc đơn sơ sau một ngày chài lưới vất vả.
Cái giống cá trích cũng kỳ, đem luộc, kho hay nấu món gì cùng dở ẹc, thịt mềm, nhão nhoẹt ra. Nhưng khi nướng cháy hết cái lớp vảy cứng bên ngoài, thì từng thớ thịt trắng phễu lộ ra thoảng mùi tanh nhẹ, thơm và lay động biết bao nhiêu cái dạ dày cồn cào.
Thức chấm cũng vô cùng đơn giản, với người thích tận hưởng cái hương vị đặc trưng tươi mới, chỉ cần một chén muối tiêu chanh hay cũng có thể giã muối hột với ớt trái. Cầu kỳ hơn thì thêm một chùm tiêu xanh, chén nước mắm chanh tỏi ớt là đã ngon miệng rồi.
Về quê biển mùa này, chỉ cần trải chiếu, quạt bếp than hồng, chờ đến khi ghe thuyền vào, người mua thoải mái lựa chọn những con cá trích to nhất, thịt dày nhất. Đối với dân nhậu, thêm chai rượu quê, ngồi nhấm nháp cái hương vị ấm nồng trong tiết thời se lạnh cuối đông, cứ như là hòa mình vào đất trời và biển cả.
Vị ngọt tươi của cá, hơi mặn mà của biển, cay cay của ớt, cộng thêm ly rượu nếp nồng nhẹ mới thú vị làm sao. Đến khi lửa tàn, lòng trí đã lâng lâng, mùi khói thơm lừng của vảy cá vẫn còn đọng lại, thực khách thấy lòng quyến luyến, để khi về nhà vẫn còn day dứt nhớ mãi.
Riêng với những người con miền biển xa quê, cá trích nướng là tuổi thơ của cha anh, của đôi quang gánh trên vai mẹ, là những đêm tối mù mịt lóe lên những đốm than hồng.