Nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp
Năm 2014, công trình cấp nước trung thủy nông tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của mưa lũ. Hệ thống đập chắn nước bị cuốn trôi hoàn toàn; tuyến kênh mương kiên cố dài 3.000 m bị đứt gãy, đất đá vùi lấp nhiều đoạn; ước thiệt hại lên đến ba tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm ở xã vùng cao này bởi nó không chỉ phục vụ tưới tiêu cho 30/45 ha đất trồng lúa một vụ mà còn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 200 hộ dân thuộc ba thôn Thèn Ván 1, Thèn Ván 2 và Cao Mã. Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ Viên Quang Chương cho hay: “Năm nay, xã huy động nhân dân vận chuyển đất, đá kè tạm bờ đập chắn nước, đồng thời sử dụng cây làm máng dẫn nước qua những đoạn kênh hư hỏng. Việc làm này cũng chỉ đáp ứng được phần nào nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống cho khu vực đầu tuyến kênh mương, còn diện tích ở cuối tuyến kênh không có nước nên trong vụ mùa năm nay, nhân dân phải chuyển đổi 20 ha đất trồng lúa sang trồng ngô. Trong đợt nắng hạn vừa qua, diện tích ngô này cũng bị khô hạn, giảm khoảng 30% năng suất”.
Không chỉ ở Cao Mã Pờ, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh miền núi Hà Giang cũng gặp khó khăn trong sản xuất do kênh mương hư hỏng, xuống cấp. Theo thống kê, rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) Hà Giang, đến năm 2015, tỉnh có đến 225 công trình thủy lợi lớn nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các công trình trên đều có chung tình trạng như: Đập chắn nước đầu nguồn vỡ hoặc bị rò rỉ thấm qua thân đập; cống van lấy nước hư hỏng; nhiều tuyến kênh mương rò rỉ đáy, đất đá sạt trượt làm thành kênh vỡ, bị vùi lấp. Số công trình bị hư hỏng chiếm khoảng 10% tổng số kênh mương hiện có trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng lại rất lớn, hơn 3.200 ha (36% tổng diện tích đất trồng lúa vụ xuân và hơn 15% tổng diện tích đất lúa vụ mùa).
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang Phạm Bá Khoát cho biết, các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp phần lớn là do được đầu tư, đưa vào sử dụng đã lâu lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên dần xuống cấp, hư hỏng. Mặt khác, do điều kiện địa hình ở tỉnh vùng cao nhiều đồi, lắm núi, địa hình chia cắt, địa chất không ổn định lại thường xuyên hứng chịu lũ ống, lũ quét nên năm nào trên địa bàn cũng có công trình thủy lợi bị thiệt hại. Ngay trong đợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa rồi, công trình đập thủy lợi ở thôn Tân Bang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình bị vỡ khiến cho hàng chục ha lúa trên địa bàn không có nguồn nước tưới tiêu trong thời gian tới.
Công tác quản lý công trình sau đầu tư của chính quyền, ngành chức năng chưa được quan tâm đúng mức, phó mặc cho các hợp tác xã, tổ quản lý mà không kiểm tra, giám sát thường xuyên, trong khi đó đội ngũ quản lý công trình thủy lợi lại chưa được tập huấn, đào tạo bài bản và thường xuyên. Không ít công trình bị hư hỏng hoặc hoạt động không hiệu quả ngay sau đầu tư bởi công trình kém chất lượng, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng lòng kênh bị xói mòn, thủng, dẫn đến rò rỉ, mất nước.
Nhiều địa phương, nhất là ở các huyện vùng cao, nông dân vẫn còn quan niệm “nắng mưa là việc của trời, có công trình thủy lợi hay không cũng không ảnh hưởng gì đến sản xuất cả”, điều đó dẫn đến ý thức bảo vệ kém. Công trình thủy lợi Cốc Muông, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang là một thí dụ điển hình, công trình này được đầu tư kiên cố, hoạt động hiệu quả, cấp nước tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp thôn Nậm Mái. Tuy nhiên, một số hộ dân ngay trong thôn lại tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, ngăn dòng, đắp thành hồ, đập để nuôi cá nên toàn bộ tuyến kênh ngập nước, bị vùi lấp, không còn khả năng tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Thiếu vốn tu sửa
Để tu sửa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp tỉnh Hà Giang cần có nguồn vốn đầu tư khoảng 280 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn so với vốn được cấp để tu sửa các công trình thủy lợi hằng năm. Hiện nguồn này lấy từ kinh phí khắc phục hậu quả do mưa lũ, kinh phí chống hạn và 70% nguồn cấp bù thủy lợi phí. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Hà Giang Giáp Mai Thùy, nguồn vốn này không đủ so với nhu cầu tu sửa, mỗi năm cũng chỉ đáp ứng tu sửa cho khoảng 20% số công trình bị hư hỏng, do đó, số công trình thủy lợi bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh ngày một tăng thêm.
Ở huyện Quản Bạ, mỗi năm địa phương này được cấp chưa đến một tỷ đồng từ các nguồn kinh phí để phục vụ tu sửa kênh mương, trong khi đó chỉ một công trình trung thủy nông xã Cao Mã Pờ hư hỏng cần nhu cầu vốn sửa chữa lên đến hàng tỷ đồng. “Chính quyền, nhân dân xã Cao Mã Pờ có ý kiến, kiến nghị thường xuyên, nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất thật sự bức thiết nhưng việc tu sửa gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn vốn được cấp quá nhỏ so với nhu cầu tu sửa công trình thủy lợi trên địa bàn”, cán bộ phụ trách thủy lợi Phòng NN - PTNT huyện Quản Bạ Vương Minh Chương cho biết.
Còn tại huyện Bắc Quang, vùng trọng điểm lúa của tỉnh Hà Giang có nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng cần tu sửa. Lớn nhất phải kể đến công trình thủy lợi hồ Quang Minh. Công trình này có hai tuyến kênh dài gần 18 km, phục vụ nước tưới cho hơn 350 ha lúa và hàng trăm ha ao, hồ nuôi cá ở xã Quang Minh. Công trình này được sử dụng đã lâu nên đang xuống cấp nghiêm trọng, tuyến kênh dẫn nước có nhiều đoạn bị hỏng, rò rỉ nên không phát huy tốt chức năng tưới tiêu cho đồng ruộng, ao hồ. Trong đợt hạn hán diễn ra vừa qua, ở xã có khoảng 60 ha lúa không có nước tưới tiêu và hệ thống ao hồ của nhân dân hết nước, gây thiệt hại lớn về nuôi trồng thủy sản. Phó Phòng NN - PTNT huyện Bắc Quang Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, nguồn vốn để tu sửa các công trình thủy lợi hằng năm của huyện khoảng năm tỷ đồng, với số vốn này huyện cũng chỉ đủ tu sửa khoảng mười công trình thủy lợi nhỏ. Với công trình thủy lợi hồ Quang Minh, chỗ nào hỏng thì cấp kinh phí tu sửa nhưng do ít vốn, tu sửa không đồng bộ nên công trình ngày càng xuống cấp. Huyện Bắc Quang đã lập dự án xin vốn tu sửa nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa được duyệt.
Hàng nghìn ha đất trồng lúa không bảo đảm tưới tiêu dẫn đến năng suất thấp, hoặc phải chuyển đổi sang trồng cây khác. Hà Giang đang rất cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư tu sửa kênh mương từ các bộ, ngành T.Ư, nếu khó khăn này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực, đời sống của nhân dân.