Vì sao "Vua xuất khẩu tôm" chạy khỏi sàn?

Với Minh Phú niêm yết thành vòng kim cô, làm công ty không phát hành được. Hoặc chúng tôi phát hành giá 30.000 đồng/CP để thu về 900 tỷ đồng, ném qua cửa sổ 600 tỷ hoặc huỷ niêm yết để được 1.500 tỷ đồng.

vua xuat khẩu tôm

 Trên trang nhất Báo cáo tài chính năm 2012 của CTCP Thuỷ sản Minh Phú (MPC), khẩu hiệu "tầm nhìn" được in rất đẹp: "Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong vòng năm tới và trở thành công ty chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới".

Vậy mà, trong tài liệu gửi cổ đông chuẩn bị cho ĐHCĐ thường niên vào giữa tháng 5 này, Minh Phú đưa kế hoạch rút niêm yết. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam mà rời sàn? Chuyện gì đang ẩn náu đằng sau dự định từ bỏ TTCK của "vua tôm"?

Năm 2007 khi lên sàn, ông Lê Văn Quang là chủ tịch HĐQT Minh Phú hồ hởi: "Niêm yết xong chúng tôi sẽ huy động vốn và đầu tư nhà máy mới".

Gần 6 năm sau gặp lại tại văn phòng Minh Phú ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Quang buông một câu:"Con tôm vừa trải qua cơn khủng hoảng kép. Còn công ty huỷ niêm yết là để tháo gỡ "vòng kim cô" phát hành". Chuyện nghe như đùa.

Con tôm trong cơn lốc khủng hoảng kép

Năm 2011, tôm thu hoạch thuận lợi. Như thường lệ, các nhà nhập khẩu và phân phối đợi đến tháng 6-7-8 tức vào vụ tôm mới mua để được giá rẻ.

Tuy nhiên, qua tháng 9 rồi tháng 10 năm đó, giá tôm vẫn không giảm, nó cứ lên hoài. Cuối tháng 10, sang tháng 11, các nhà nhập khẩu ồ ạt mua hàng nhằm đảm bảo nguồn cung cho dịp giáng sinh và năm mới. Giá tôm rối loạn.

Đầu năm 2012, dịch bệnh EMS trầm trọng, tôm chết hàng loạt ở Việt Nam, Indonesia. Vừa quan đợt giá tôm nhảy nhót, lại thêm dịch bệnh, suy nghĩ của giới nhập khẩu sẽ là giá không thể xuống được.

Rút kinh nghiệm, ngay từ tháng 3-4, họ đã ký hợp đồng mua cho cả năm. Không ngờ tháng 6 năm 2012, khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát. Châu Âu giảm nhập tôm và có tháng gần như không mua.

Trong khi ấy, Ấn Độ và Bangladesh được mùa tôm. Đồng rupee của Ấn Độ cùng lúc mất giá 7%, khiến các nhà xuất khẩu nước này được lợi. Doanh nghiệp Ấn Độ hạ giá bán. Họ giảm 10-15% đến 20-30% vẫn không bán được. Từ 14,5 đô la Mỹ/pound, giá tôm Ấn Độ mau chóng rơi xuống 6,7 đô la Mỹ/pound.

Một mặt bằng mới của giá tôm thế giới định hình, các khách hàng đã ký hợp đồng với Minh Phú và các doanh nghiệp tôm Việt Nam trì hoãn không nhận hàng, đề nghị giảm giá.

Ông Quang kể: "Một khách hàng là nhà nhập khẩu trung gian nói nếu nhận hàng họ lên đường (phá sản) ngay. Các đối tác lớn cũng không chịu mở L/C. Một số công ty nhập khẩu tuyên bố phá sản để khỏi phải thực hiện các hợp đồng đã ký.

GreenFoods, nhà phân phối tôm lớn nhất Nhật Bản đóng cửa một tuần sau khi giá tôm ở đáy. Chúng tôi không bán tôm cho GreenFoods nhưng bán cho Mitsui, Marubeni và một số đơn vị khác. Những đối tác này nhập tôm cho GreenFoods".

Khi người mua đề nghị đàm phán, chia sẻ khó khăn, Minh Phú không thể không đồng ý. Công ty phải thay bao bì sản phẩm và chuẩn bị cho thị trường Châu Âu và Nhật, tìm người mua khác và tất nhiên bán với giá thấp hơn giá hợp đồng cũ. Hậu quả là lợi nhuận giảm sút.

Năm ngoái Minh Phú thiệt hại gần 100 tỷ đồng do tôm chết. Mảng chế biến vẫn còn lời được 100 tỷ đồng nhưng kiểm toán yêu cầu trích lập dự phòng tài chính, hàng tồn kho. Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế năm 2012 vỏn vẹn 16 tỷ đồng so với 284 tỷ đồng của năm 2011 và 315 tỷ đồng của năm 2010.

Tôm và chiến tranh tiền tệ

Nhật và Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu thứ hai và thứ ba của Minh Phú. Từ quý 4 năm trước Nhật bơm tiền kích thích kinh tế, đồng yên bị mất giá 20% so với USD.

Đồng won Hàn Quốc cũng giảm giá dù tốc độ không bằng. Người Nhật mua tôm Việt Nam bằng đô la Mỹ, bán trong nước bằng đồng Yên, nên Yên nếu yếu đi chừng nào nghĩa là tôm đắt lên chừng đó.

Chưa kể giá tôm thế giới hiện đã tăng 20% so với năm ngoái, tức giá tôm ở Nhật tăng 40%. Người tiêu dùng Nhật không chịu được mức tăng này và các nhà phân phối cũng không dám nâng giá bán cao tương ứng.

Lần này các nhà nhập khẩu Nhật mời Minh Phú sang tham quan tại chỗ và đàm phán đòi hạ giá mua. Ông Quang giọng bần thần: "Họ khó khăn, không lẽ mình bắt bí. Đành phải thống nhất họ tăng giá bán trong nước 10-15%, phần giá tăng còn lại mỗi bên chịu một nửa".

Sản lượng xuất của Minh Phú vào Nhật và Hàn Quốc năm qua tăng, nhưng lợi nhuận thấp. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cả năm của công ty đạt 369,4 triệu USD trong đó thị trường Mỹ, Canada chiếm 39,5%, Nhật 24,5%, Hàn Quốc 17,1% và Châu Âu 9%.

Chạy khỏi sàn

Bầm dập với giá cả lên xuống và bệnh dịch tôm, Minh Phú cần tiền để chống chọi với khó khăn. Việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Hậu Giang đã ngốn của công ty một đống tiền. Thêm nữa, hàng tồn kho là 2.301 tỷ đồng, chỉ giảm chút ít so với cùng kỳ 2011.

Dư nợ ngắn hạn của công ty tăng mạnh lên 3.449 tỷ đồng cộng thêm nợ dài hạn 828 tỷ đồng. Mặc dù Minh Phú nỗ lực cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay 413 tỷ đồng đã ngốn hết lợi nhuận của công ty.

"Các khoản vay dài hạn và khoản phát hành trái phiếu ghi sổ 700 tỷ đồng với lãi suất 14-19%/năm để đầu tư nhà máy Hậu Giang và các vùng nuôi tôm chưa đem lại thu nhập đáng kể, là nguyên nhân chính làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận của công ty"-theo BCTN.

Minh Phú hiện có 4 nhà máy chế biến, công suất tối đa 70.000 tấn/năm nhưng hiện tại chỉ chạy ở mức 36.000 tấn/năm. Ông Quang cho biết nhà máy Hậu Giang còn phải đào tạo công nhân.

Ở đây bắt đầu có dấu hiệu của sự đầu tư nhanh và có thể quá rộng trong khi đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ chưa theo kịp và nguồn lực bị lãng phí khi công suất không thể phát huy hết vì thiếu nhân công.

Năm ngoái, Minh Phú đã từng tiến hành các bước để phát hành 30 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài nhưng không thành công.

"Lúc đầu có 15 tổ chức ngoại tham gia đấu thầu, chúng tôi chọn ra bốn, sau đó chọn ra một. Có nhà đầu tư Nhật trả giá 59.000 đồng/CP nhưng chúng tôi chọn tập đoàn Charoen Pokpand Foods (CP Foods-Thái Lan) cho dù họ trả giá 50.000 đồng. CP Foods là công ty hàng đầu thế giới về tôm giống và nuôi trồng, họ có chế biến tôm nhưng chỉ đứng ở hàng thứ 10-11"-ông Quang nói.

Rắc rối phát sinh từ đây. giá cổ phiếu MPC trên HoSE 3 năm qua dao động xung quanh 25.000 đến 30.000 đồng/CP, cao hơn khá nhiều so với các cổ phiếu ngành thuỷ sản nhưng chỉ bằng hơn phân nửa giá chào mua của CP Foods.

Theo quy định công ty không thể phát hành với giá cao cách biệt như vậy. Giá phát hành thường là thị giá công biên độ 5% (trước đây) và 7% (hiện nay).

Minh Phú, theo lời ông Quang, tính đủ cách nhưng không có cách nào vượt được rào cản quy định. Công ty có thể chủ động đẩy giá do lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tương đối thấp (ông Quang và những người có liên quan nắm giữ 55%, 3 tổ chức khác sở hữu 22,1% nhưng "như thế là vi phạm luật nên chúng tôi không làm".

"Niêm yết là để huy động vốn. Song với Minh Phú niêm yết trở thành vòng kim cô, làm công ty không phát hành được. Hoặc chúng tôi phát hành giá 30.000 đồng/CP để thu về 900 tỷ đồng, ném qua cửa sổ 600 tỷ đồng hoặc huỷ niêm yết để phát hành được 1.500 tỷ đồng. Chúng tôi chẳng còn cách nào khác là xin huỷ niêm yết".

Công bằng mà nói, với vị thế "vua tôm" và kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến 465 triệu USD, cổ phiếu MPC khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Minh Phú hiện chiếm thị phần 3,01% thị trường tôm Nhật tính về số lượng và 3,56% tính về giá trị, đồng thời chiếm thị phần 1,95% thị trường tôm Mỹ về lượng và 2,7% về giá trị. Nếu bán cổ phần cho đối tác Nhật, công ty sẽ có thêm lợi thế để mở rộng thị phần tại đây.

Mặt khác việc thu được một khoản thặng dư lớn sẽ giúp công ty trả hết nợ dài hạn và một phần nợ ngắn hạn. Đến cuối năm 2012, Minh Phú có khoản tiền và tương đương tiền 1.300 tỷ đồng.

Khoản tiền này được gửi ngắn hạn ở ngân hàng chủ yếu dưới 3 tháng trong khi các khoản vay ngắn hạn đều là vay ngoại tệ, lãi suất thấp.

Trong trường hợp được cổ đông chấp thuận, Minh Phú sẽ mất thời gian hoàn tất thủ tục huỷ niêm yết sau đó tái cấu trúc doanh nghiệp và có thể phát hành cho đối tác ngoại vào năm sau.

"Chúng tôi đã vuột mất cơ hội một lần. Các khách hàng và đối tác cũng không quan tâm đến việc công ty niêm yết. Họ nói trả giá 50-60.000 đồng/CP trong khi giá trên sàn bằng một nửa thì họ phải hạch toán lỗ ngay. Trước mắt Minh Phú cần huy động vốn đã, sau này nếu cần thiết thì chúng tôi niêm yết lại".

Niêm yết, hoá ra không phải lúc nào cũng là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Đăng ngày 11/05/2013
Lý Hải
Doanh nghiệp

Chính thức mở bán: "Thực hành Chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản"

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang cần giải pháp thực tế để vượt qua thách thức cần đối mặt để đạt được sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lúc này.

Sách Thực hành chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản
• 10:44 25/11/2024

Tôm vào vụ đông - Sale không giới hạn

Khi tôm vào vụ mới công tác chuẩn bị vật tư, vệ sinh ao, nguồn nước,... là những khâu quan trọng để có một mùa vụ thành công. Việc này ngoài bỏ công sức ra thì cũng tốn khá nhiều chi phí. Để tiết kiệm hơn, bà con hãy ghé ngay Farmext eShop, tại đây sắp diễn ra nhiều ưu đãi cực to cho các sản phẩm phục vụ nuôi tôm vụ đông.

Tôm vào vụ đông
• 16:45 21/11/2024

Chẩn đoán đúng bệnh: Bí quyết thành công trong nuôi trồng thủy sản

Để có thể hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc chẩn đoán đúng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với tôm cá. Ngày hôm nay Tép Bạc đã có buổi trò chuyện giao lưu với TS. Lưu Thị Thanh Trúc, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và hoạt động trong ngành.

Xét nghiệm kháng sinh đồ
• 12:00 21/11/2024

Mở Shop Cá cảnh - Tép cảnh online nhanh và nhàn tại Farmext eShop

Bạn đang kinh doanh, phân phối giống và các sản phẩm thuộc lĩnh vực Cá cảnh - Tép cảnh? Bạn cần mở shop online nhanh chóng, để có thêm hướng ra cho sản phẩm và tăng thêm thu nhập? Hãy liên hệ với Farmext eShop ngay.

Cá cảnh - Tép cảnh online
• 14:44 20/11/2024

Loài tảo mới làm thức ăn cho cá tôm

Các nhà nghiên cứu Philippines tại Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) đang thử nghiệm “tảo spaghetti”, có tên khoa học là Chaetomorpha linum, trong thành phần thức ăn cho cá và tôm nhằm giảm chi phí thức ăn thủy sản.

Tảo
• 06:15 27/11/2024

Thực hư trị bệnh EHP trong nuôi tôm

EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là một loại vi khuẩn ký sinh nội bào gây bệnh nghiêm trọng trên tôm nuôi. Loại vi khuẩn này làm suy giảm khả năng tiêu hóa và tăng trưởng của tôm, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi.

Tôm bệnh EHP
• 06:15 27/11/2024

Tiềm năng phát triển nghề nuôi hải sâm tại Bình Định

Hải sâm hay còn có tên gọi khác là đỉa biển hay sâm biển là một loài động vật biển chuyên ăn các loại xác chết của các loài động vật khác, vì lý do đó nên chúng còn thường được gọi là "Lao công của biển cả".

Hải sâm
• 06:15 27/11/2024

Bình Định tiếp tục hỗ trợ chi phí nguyên liệu cho 07 tàu cá trong đợt bổ sung năm 2023

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa có quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 05/11/2024 phê duyệt đợt bổ sung năm 2023 cho các tàu cá được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu thuyền
• 06:15 27/11/2024

Chứng nhận ASC cho 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân

Ngày 21/11/2024, ở xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau), 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân được tổ chức Bureau Veritas trao chứng nhận ASC và đây là chứng nhận ASC nhóm cho tôm-rừng đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tôm rừng
• 06:15 27/11/2024
Some text some message..