4 ngày sau khi bấm nút dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nam, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm, đã thể hiện một quyết tâm đưa nông nghiệp phát triển, trong đó có việc đưa con tôm trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia.
Tại hội nghị, ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2030. Hiện tại xuất khẩu của ngành tôm nước ta đang ở mức 3 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến năm 2030 mới đạt con số 10 tỷ USD là quá thấp và Thủ tướng yêu cầu phải rút ngắn thời gian khi ông đưa ra dẫn chứng cụ thể và thuyết phục về trường hợp tập đoàn Minh Phú ở Cà Mau đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2021. Vậy còn 8 tỷ USD nữa, với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn?
Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất là đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm phải đạt 10 tỉ USD. Và Việt Nam, mà trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long phải là thủ phủ tôm thế giới.
Dù còn nhiều thách thức, song Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành công xưởng nuôi tôm thế giới
Tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn? Câu hỏi của Thủ tướng được giải đáp khi tại hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tiềm năng phát triển con tôm còn cao hơn nhiều nếu chúng ta có "khát vọng, có quyết tâm".
Việc trước đó, đứng sau lúa gạo về giá trị xuất khẩu, rồi vượt lên trên, con tôm Việt đã vươn lên đưa nước ta trở thành cường quốc xuất khẩu tôm thứ 3 thế giới. Điều nay là một trong rất nhiều ví dụ chứng minh tiềm năng rất lớn của ngành tôm Việt Nam.
Tuy nhiên lâu nay, trong tính toán của cả các cấp lãnh đạo đến người dân vẫn còn giằng co giữa 2 lựa chọn: Làm tôm hay làm lúa? Và thực tế những phản biện giành về nước ngọt cho lúa hay nước lợ cho tôm vẫn chưa ngã ngũ.
Một phép so sánh con tôm với cây lúa cho thấy, giá tôm luôn cao hơn khoảng vài chục lần. Tất nhiên, mức đầu tư và năng mức đầu tư và năng lực, trình độ canh tác đối với con tôm khác xa cây lúa.
Rõ ràng, tiềm năng phát triển của con tôm còn rất lớn do những thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu. Song để Việt Nam thật sự trở thành một "công xưởng nuôi tôm thế giới" còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, phải giải quyết một vấn đề lớn của ngành tôm là vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động về con giống. Thứ hai là giá thành sản xuất vẫn còn cao, năng suất nuôi thấp. Thậm chí nhiều vùng nuôi còn thiếu điện.
Vấn nạn bơm tạp chất vào tôm đã ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu con tôm Việt trong thời gian qua
Một hạn chế khác nữa cũng cần một giải pháp kiên quyết, đó là tình trạng một số người làm ăn chụp giựt, bơm tạp chất vào tôm kéo dài suốt hàng chục năm vẫn chưa chấm dứt, đã làm đánh mất hình ảnh và giá trị con tôm Việt.
Tình trạng bơm tạp chất nghiêm trọng đến mức, người đứng đầu Chính phủ đã phải tuyên bố, Chính phủ sẽ "tuyên chiến" với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu".
Phát triển tôm, cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động liên ngành và một quyết tâm mạnh mẽ. Phải tính đến việc tháo gỡ hạn điền, tích tụ ruộng đất, cơ chế liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành tôm.