Thị trường Nhật soán ngôi thị trường Hoa Kỳ
Theo thống kê của Hải Quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đi các thị trường đạt gần 1,52 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 10,6%, tôm sú giảm 21%, cá tra tăng 1,6%; cá ngừ tăng 23,1% so với 3 tháng đầu năm 2016.
Xét về thị trường, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đã có sự thay đổi về thị phần khi Nhật Bản với sự tăng trưởng mạnh mẽ 26,8%, và Hoa Kỳ bị sụt giảm đến 16,4%. Nhật đã vượt qua thị trường Hoa Kỳ để trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm sang Nhật đạt hơn 253 triệu USD, sang Hoa Kỳ đạt hơn 252 triệu USD. Thị trường EU xếp thứ 3 với giá trị gần 251 triệu USD, giảm 0,01%.
Công suất bị giới hạn, giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn thấp nhất trong 3 năm trở lại đây
Sự thay đổi về thị trường tiêu thụ cũng như những khó khăn nội tại của từng nhóm sản phẩm tôm, cá tra, cá ngừ ….đã khiến cho thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng thay đổi.
Minh Phú – Hậu Giang, thành viên của Tập đoàn Minh Phú ghi dấu ấn khi ngoạn mục vượt qua Minh Phú (mẹ) và Thủy sản Vĩnh Hoàn để chiếm ngôi vương, với giá trị xuất khẩu đạt 62,3 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau là Minh Phú mẹ với giá trị xuất khẩu 3 tháng đạt 51,2 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn (VHC) được dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2017 do yếu tố nguồn cung và giới hạn về công suất nên giảm lượng xuất vào Hoa Kỳ. Giá trị xuất khẩu thủy sản của Vĩnh Hoàn 3 tháng đầu 2017 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, sụt giảm đến 15,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 50,6 triệu USD.
Top 15 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn 3 tháng đầu năm 2017 ghi nhận sự đóng góp của gương mặt mới HAVICO, Thủy sản Âu Vững và Thủy sản Bình Định với sự tăng trưởng từ 27,7% đến 64,4% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng của 3 doanh nghiệp nói trên cho thấy triển vọng của dòng sản phẩm khai thác, đánh bắt và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục ở mức cao nhưng sản lượng cá khó tăng nhiều
Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ là vùng nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Nguồn tin thị trường của Bizlive cho biết, giá cá tra vẫn duy trì ở mức cao.
Cụ thể, tuần qua giá cá tra tại Đồng Tháp loại 1 giao dịch ở mức 26.500 đồng – 28.000 đồng/kg; loại 2 giá từ 24.500 – 26.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng và Cần Thơ, giá cá tra thịt trắng ở mức 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tra thị trắng tại Tiền Giang mua tại ao có khi lên tới 29.000 đồng/kg.
Báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong quý I/2017, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên đáng kể, ở mức từ 24.500 – 25.500 đồng/kg (cá tra thịt trắng loại 0,7-0,9 kg/con), cao hơn 5.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 4/2017 ở mức 25.000-26.200 đồng/kg (đối với cá 0,7-0,9 kg/con) cao hơn 3.000 đồng/kg cùng kỳ năm trước. Còn ở tỉnh An Giang, báo cáo cho thấy sản lượng cá tra thu hoạch chỉ bằng 98,7% cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Đồng Tháp đánh giá, tuy giá cá tra nguyên liệu cao nhưng người dân vẫn dè dặt trong việc tăng sản lượng do không dự báo được nhu cầu trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Tình hình xuất khẩu cá tra trong năm 2017 được nhận định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn ở các thị trường truyền thống do việc tăng cường kiểm tra kiểm soát của các thị trường cũng như chính sách hạn chế nhập khẩu của một số nước đặc biệt là Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các khó khăn của bản thân các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước, tình hình hạn hán xảy ra trên diện rộng cũng tác động tiêu cực đến sản xuất và chế biến cá tra.
Giới phân tích nhận định, giá cá tra nguyên liệu tăng nhưng sản lượng cá tra nhìn chung khó có thể tăng nhiều trong thời gian tới khi chính sách bảo hộ cá da trơn các nước không thay đổi vì vậy người nuôi vẫn rất cẩn trọng khi tăng sản lượng.