Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thông tư chưa quy định áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Hiện 100% các lô hàng (gồm nguyên liệu thủy sản, sản phẩm thủy sản đều phải kiểm tra chỉ tiêu cảm quan, điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn.
Trong khi đó, các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ đều yêu cầu việc kiểm tra chuyên ngành phải theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) tại Điều 13 đã qui định rất rõ trường hợp “Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước” được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) nhập khẩu (trừ các trường hợp có cảnh báo về ATTP).
Tuy nhiên, theo quy định tại hai thông tư trên chưa cho phép các trường hợp thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập theo loại hình E31 (nguyên liệu sản xuất xuất khẩu), E21 (Nguyên liệu nhập gia công chế biến xuất khẩu) và A12 (nhập theo loại hình kinh doanh làm nguyên liệu để sản xuất tiếp) vào Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm.
Không áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia: các lô hàng nhập khẩu có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp nhưng không được công nhận và vẫn phải chịu sự kiểm tra của Cơ quan thú y khi nhập hàng.
Chưa có hướng dẫn về cách thức kiểm tra cảm quan hàng hóa: không qui định cách thực hiện việc kiểm tra điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn, ngoại quan, cảm quan của từng loại sản phẩm (đông lạnh, ướp lạnh, khô....) mà chỉ qui định một cách chung chung như “nghi ngờ” hoặc phát hiện hàng hóa “không đảm bảo” yêu cầu vệ sinh thú y để tiến hành lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y, không có tiêu chí cụ thể làm căn cứ để kết luận “Đạt” và “Không đạt” khi kiểm cảm quan. Điều này dễ dẫn đến kết luận của kiểm tra viên không chính xác, phát sinh tiêu cực và chi phí cho các doanh nghiệp.
Một số trường hợp như nhập hàng từ cá tàu phải phân size, tách loài có sự chứng kiến của người bán nên ngay khi đem hàng từ cảng về phải phân size ngay và đưa vào sản xuất, không thể đưa ngược trở lại kho lạnh để chờ có kết quả kiểm tra, nếu không sẽ dễ dẫn đến hư hỏng hàng hóa. Hoặc những lô hàng nhập bằng container nhưng khi dỡ hàng từ container mà Người bán muốn chứng kiến sản xuất thử để kiểm tra chất lượng hàng hóa nhưng phải chờ kết quả kiểm tra của cơ quan Thú y, điều này gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo VASEP, vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành không chỉ ảnh hưởng đến thời gian sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp mà còn phát sinh khá nhiều chi phí. Với quy định 100% lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập theo bất kỳ loại hình nào (E31, E21, A12, A11) đều phải trả chi phí kiểm cảm quan theo quy định.
Theo định nghĩa “Lô hàng” được TT36/2018 bổ sung vào điều 2 của TT26/2016 thì “lô hàng là toàn bộ sản phẩm thủy sản của một chuyến hàng nhập khẩu tính có cùng vận đơn”. Căn cứ vào đơn vị tính phí ghi tại mục 3.1 trên là “Container/Lô hàng”, nhưng nếu một lô hàng gồm 10 containers nhập về trên cùng một vận đơn, thì cơ quan Thú y tính phí kiểm cảm quan.
Đối với hàng cá tàu chỉ một vận đơn nhưng cơ quan Thú y tính phí kiểm cảm quan không theo lô hàng mà lấy tổng trọng lượng của lô hàng chia đều cho trọng lượng trung bình của một container là 25 tấn để tính phí kiểm cảm quan.
Ngoài phí kiểm tra cảm quan, nếu lô hàng thuộc diện phải lấy mẫu kiểm tra (áp dụng cho nhập A11, A12, hoặc nhập theo E31 hoặc E21) nhưng bị cho là cảm quan “không đạt”) thì doanh nghiệp phải trả thêm phí kiểm nghiệm, chi tiết chi phí tùy thuộc vào chỉ tiêu kiểm tra qui định theo từng mặt hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm phát sinh thêm tiền cấm điện, lưu kho, lưu bãi rất cao.
Chi phí đi lại, tiếp kiểm tra viên, chi phí khác: Các phí này cũng rất cao mà doanh nghiệp cũng phải trả và đưa vào chi phí cấu thành nên giá thành sản phẩm.
Đối với hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập vào kho ngoại quan: thủ tục qua nhiều công đoạn (nhập từ cảng về kho ngoại quan, từ kho ngoại quan xuất ra cho doanh nghiệp, mỗi công đoạn đều phải làm thủ tục lập lại cho cùng một lô hàng nên mất nhiều thời gian và chi phí. Nếu xuất cùng một loại hình nhưng nhiều lần thì chi phí càng nhiều hơn.
Từ những bất cập nêu trên, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi Thông tư 26 và Thông tư 36, có giải pháp để áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, công nhận kết quả kiểm tra của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu như cách mà EU và các nước nhập khẩu khác đang công nhận Việt Nam, họ chỉ kiểm tra 2-5% số lượng lô hàng nhập khẩu trong điều kiện bình thường.
Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Áp dụng chế độ giảm/miễn đối với chỉ tiêu kiểm cảm quan thay vì kiểm 100% lô hàng như hiện nay để tránh quá tải cho doanh nghiệp và cho cả nhân sự của ngành Thú y.