Trên biển, khu vực bắc vịnh Bắc Bộ có gió nam đến tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông rải rác; sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5 m; biển động. Huyện đảo Hoàng Sa không mưa, gió tây nam cấp 4, cấp 5, tầm nhìn xa thoáng. Huyện đảo Trường Sa có mưa rào và dông vài nơi, gió tây nam đến nam cấp 3, cấp 4, tầm nhìn xa trên 10 km.
* Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Lai Châu vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) ở trung du và miền núi phía bắc tại Lai Châu. Theo báo cáo, hiện có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía bắc; khu vực trung du miền núi chiếm tới 40% tổng diện tích đất bị thoái hóa thành đất trống, đồi trọc trên cả nước… Qua rà soát vẫn chưa có chính sách riêng đề cập vấn đề liên kết vùng trong ứng phó BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Các đại biểu thống nhất quan điểm đề xuất liên kết vùng phải được xây dựng trên nguyên tắc bắt buộc, phân cấp, phân quyền chặt chẽ và hiệu quả; sớm ban hành luật quy hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ về quy định trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương; đề xuất cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh trong vùng để xây dựng thí điểm liên kết vùng trung du miền núi phía bắc giai đoạn 2015 - 2020, trình Chính phủ phê duyệt.
* UBND tỉnh Bắc Cạn vừa phê duyệt Dự án “Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông” để di chuyển toàn bộ 43 hộ dân thôn Cáng Lò, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông đang có nguy cơ sạt lở rất cao đe dọa tính mạng và tài sản. Dự án có tổng mức đầu tư 32,2 tỷ đồng, xây dựng hai khu tái định cư ở xã Cẩm Giàng và xã Nguyên Phúc để di chuyển người dân ở thôn Cáng Lò đến ở. Các hộ sẽ được cấp đất ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh để ổn định cuộc sống lâu dài.
* Ngày 15-8, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, qua khảo sát đoạn từ vàm kinh Đá Bạc đến Kinh Mới dài 4,5 km, thấy xuất hiện thêm ba điểm sạt lở mới với chiều dài 250 m. Đây là đoạn nằm trên tuyến đê Biển Tây thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Các điểm sạt lở này chỉ còn cách đê biển chưa đầy 10 m và đang trong tình trạng báo động vỡ đê cao nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Chi cục đã gia cố bằng kè bản nhựa và cừ tràm để phòng, chống tạm thời tại những đoạn nguy hiểm. Đến khi biển ổn định sẽ khảo sát và xây dựng kè kiên cố bảo vệ thân đê Biển Tây an toàn.
* Để bảo đảm yêu cầu tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão, sáng 15-8, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã huy động hơn bốn nghìn cán bộ, và người dân ra quân vớt bèo, khơi thông dòng chảy với tổng chiều dài hơn 44 km trên các tuyến sông: Đò Bang, Vách Nam, rào Trẻn, tuyến Cầu Sú, tuyến từ cầu Song (Việt Xuyên) đến hói Trộ (Thạch Liên), tuyến từ đập Mươi (Thạch Ngọc) đến máng Sơn Lộc (Việt Xuyên), tuyến từ tràn Cửa Ải (Thạch Xuân) đến cầu Sú (Thạch Đài)…
* Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, gần 20 hộ dân nuôi cá bè ở cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho phát hiện cá điêu hồng bị chết bất thường, tổng thiệt hại trong đợt vừa qua là hơn bảy tấn cá, trị giá hơn 300 triệu đồng. Các cơ quan chuyên môn đang tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để giúp người nuôi cá đạt hiệu quả, tránh thiệt hại do dịch bệnh gây ra.