Ông Lê Xuân Thịnh- Giám đốc Dự án SUPA- cho biết, đến nay, dự án đã xây dựng báo cáo thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam ở các nước châu Âu, hỗ trợ 12 doanh nghiệp (DN) tham dự Hội chợ Thủy sản Brussels trong 2 năm 2014-2015. Dự án cũng hỗ trợ 5 trang trại nuôi trồng cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt Chứng nhận ASC (chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều trang trại khác.
Bên cạnh đó, dự án đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho 18 vùng tập trung ương nuôi cá tra ở ĐBSCL, chuyển giao công nghệ cho hơn 200 hộ ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Kết quả, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn thấp hơn nhiều so với chỉ số toàn vùng ĐBSCL. Tỷ lệ cá tra sống ở vùng chuyển giao đạt cao: 83-92%, trong khi tỷ lệ sống cá tra bình quân toàn ĐBSCL chỉ ở mức 69-82%. Các chỉ số tác động môi trường như nhiệt độ tăng, các hóa chất ô nhiễm cũng đã giảm.
Dự án đang hỗ trợ Tổng cục Thủy sản hoàn thiện khung chính sách, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam đẹp hơn trong mắt người tiêu dùng. Dự kiến, đến khi kết thúc dự án, ít nhất 70% DN chế biến cá tra, 30% số DN chế biến thức ăn và các vùng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ít nhất 50% DN chế biến xuất khẩu cá tra cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp với tiêu chuẩn bền vững ASC, GlobalGAP cho thị trường EU và các thị trường khác.