Cơ hội
“Phân tích cơ hội và thách thức của ngành cá tra để qua đó chúng ta phát huy mặt mạnh, hạn chế những mặt tiêu cực - là việc làm cần thiết, bởi trong hơn 20 năm XK, đáng lý ngành hàng này phải giúp nhiều người “ăn nên làm ra”, đằng này những ai theo đuổi ngành cá tra đến bây giờ đa phần đều bị thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp “cao bay xa chạy”, để lại hậu quả vô cùng nặng nề …” - ông Trần Công Luận (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) bức xúc chia sẻ. Hơn 20 năm XK cá tra ra thế giới, sản phẩm này đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong những sản phẩm cá thịt trắng được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Giá cá tra trên thị trường thế giới không cao so với các loại cá khác, vì vậy, đây là một lợi thế của sản phẩm này trong hơn 20 năm qua. Năm 1996, XK cá tra sang Hoa Kỳ, một ký fillet bán được 4 USD, nay giá XK vào thị trường này nằm ở mức 2,8-3 USD/kg. Cá tra ít xương dâm, thịt trắng, ăn rất thơm ngon, vì vậy các quốc gia có nền công nghiệp phát triển rất ưa thích. Xu thế hiện nay, người ta chuyển từ ăn các loại thịt đỏ (thịt gà, thịt heo, bò…) sang ăn các loại cá thịt trắng. Đây là cơ hội cho ngành cá tra Việt Nam…” - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Đồng Bằng Nguyễn Kỳ chia sẻ.
Hiện nay, ngoài thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và các nước trong cộng đồng hồi giáo, cá tra đã được xuất mạnh sang Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, mặc dù 3 quốc gia này đã tổ chức nuôi thành công cá tra trong những năm gần đây, tuy nhiên sản phẩm nuôi của nông dân ở các quốc gia này không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bản địa.
“An Giang là địa phương có lợi thế rất lớn trong phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra XK, bởi dòng sông Tiền chảy qua tỉnh có chiều dài 87km, sông Hậu có chiều dài khoảng 100km. Lưu tốc dòng chảy lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá tra. Mặt khác, ngư dân trong tỉnh hiện rất “lành nghề”, có hộ nuôi đạt hệ số thức ăn 1.50/1kg cá thịt tăng trọng, việc này giúp giá thành nuôi được hạ thấp. Ngoài ra, triển vọng về thị trường đối với sản phẩm này là vô cùng to lớn, vì vậy cần phát huy lợi thế để đưa ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững…” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Trần Trung Ngươn chia sẻ.
Thách thức
Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Một trong những thách thức hiện nay mà ngư dân lẫn doanh nghiệp đang đối mặt là tỷ lệ cá hao hụt trong giai đoạn nuôi từ cá hương lên cá giống, cá thịt rất cao, có ao cá chết lên trên 50%. Trong giai đoạn nuôi thịt, cá hay bị bệnh trắng gan, trắng mang, dẫn đến tỷ lệ sống rất thấp. Cá chết nhiều đồng nghĩa với tỷ lệ sống thấp, từ đó giá thành nuôi cao, lợi nhuận không có. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nguồn nước bị ô nhiễm, hộ nuôi sử dụng thuốc điều trị cho cá chưa đúng.
“Môi trường nước hiện nay ô nhiễm rất nhiều. Đặc điểm của nghề nuôi cá tra là đào hầm ven sông, kênh, rạch để lấy nước, trong khi những hộ trồng lúa sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu điều trị bệnh cho lúa. Mùa mưa, nước từ đồng ruộng chảy xuống kênh, rạch, mang theo lượng thuốc trừ sâu rất lớn, nhiều nơi cá chết hàng loạt. Vấn đề bất cập này cần được cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận để khắc phục…” - bà Trần Thị Lệ (ngư dân xã Long Giang, Chợ Mới) chia sẻ.
Cá tra nuôi trong giai đoạn từ cá hương lên cá giống chết rất nhiều, thị trường đang thiếu cá giống
Ngoài môi trường, các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra tiếp tục dựng lên “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế sản phẩm thâm nhập vào thị trường bản địa, thuế chống bán phá giá là một điển hình. Tính đến thời điểm này, Mỹ tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam. “Thức ăn chiếm tỷ lệ 85% trong cơ cấu giá thành nuôi cá tra. Hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp vốn FDI, điều này rất bất lợi. Cần nghiên cứu các giải pháp để giải quyết bài toán chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản từ nguồn trong nước. Có vậy, cùng với các yếu tố khác, ngành nuôi cá tra mới có thể phát triển bền vững…” - ThS Vương Học Vinh (nguyên Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học An Giang) chia sẻ.
“Hiện nay, giá cá tra thịt lên đến 28.500 đồng/kg, với giá bán này, người nuôi lãi ít nhất 5.000 đồng/kg. Người bên ngoài tưởng rằng ngành này đang phát triển bền vững, tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại, giá cá nguyên liệu đang ở mức cao, trong khi giá bán ở thị trường XK hơn 3 tháng qua tăng rất thấp, điều này khiến các doanh nghiệp chế biến gặp khó. Mặt khác, giai đoạn này thị trường Trung Quốc mua hàng rất mạnh, nếu nhìn vào đó mà tổ chức nuôi với quy mô lớn thì rủi ro rất lớn…”- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Đồng Bằng Nguyễn Kỳ chia sẻ.