Hiện nay, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu (NK) lớn và ổn định, là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm tại các thị trường này. Trong thời gian gần đây, lượng XK thủy sản sang ba thị trường chủ lực gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản đều có dấu hiệu giảm đi trông thấy.
Được biết, nguyên nhân khiến hàng thủy sản Việt bị trả về là do quá trình nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng sinh, một số hóa chất cho phép...
Nguy cơ bị “cấm cửa”
Theo Bộ NN&PTNT giá trị XK thủy sản ước đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, kim ngạch XK thủy sản ở một số thị trường truyền thống đang có dấu hiệu suy giảm mạnh. Cụ thể, XK tôm đạt 3 tỷ USD, giảm 25%; XK cá ngừ đạt 98,5 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị XK sang hai thị trường lớn là Mỹ và EU (chiếm 61,5%) tổng giá trị lại giảm lần lượt 4,4% và 14,3%. Cho đến nay, tình hình XK cá ngừ sang thị trường này vẫn chưa nhiều khả quan. Giá trị XK cá ngừ sang Nhật Bản, Mexico và Canada giảm lần lượt là 5,9%, 52,7% và 42,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Trương Đình Hòe - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết khi thị trường ngày càng khó tính, cạnh tranh tăng, nhưng lại xảy ra tình trạng thủy sản đang đối mặt với nạn bơm tạp chất, cắm tăm tre, tăm dừa. Nhiều khách hàng đã “quay lưng” lại với thủy sản Việt Nam.
Thị trường Nhật Bản chiếm 34 - 36% tổng giá trị kim ngạch XK của ngành thủy sản Việt Nam. Riêng mặt hàng tôm - chủ lực của ngành thủy sản, mỗi năm thị trường này cũng đóng góp 500 - 600 triệu USD trong 1,2 tỷ USD XK tôm của Việt Nam. Nhưng đến nay, đã giảm đáng kể cả về số lượng và giá thành.
Hiện nay, mặt hàng mực đông lạnh của Việt Nam đang bị thị trường Nhật Bản xét ở tình trạng “báo động đỏ” và mặt hàng XK chủ lực là tôm sú đang ở cấp độ 2. Đó là nguyên nhân khiến họ không mua tôm sú Việt Nam mà chuyển sang mua của Philippines và Indonesia, dù giá tôm sú của hai nước này cao hơn Việt Nam từ 2 - 3 USD.
Xót xa trước thực trạng này, ông Hòe cho hay, ngay từ bây giờ, các DN thủy sản phải thay đổi cách nuôi trồng, sản xuất để tận dụng cơ hội “vàng” khi Hiệp định TPP có hiệu lực, những sản phẩm tôm tươi, đông lạnh XK sang Nhật Bản, Hoa Kỳ thời gian tới sẽ có thuế 0% giúp DN có lợi thế hơn các đối thủ như: Argentina, Thái Lan, Ấn Độ...
Riêng các DN XK hải sản, cơ hội Nhật Bản bãi bỏ thuế NK đối với sản phẩm cá ngừ, cá hồi... sẽ góp phần giúp giảm đáng kể thuế suất của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Thiếu liên kết và chuỗi giá trị
Theo ông Trương Đình Hòe, Việt Nam được đánh giá là một mình một thị trường, sản xuất rất lớn, lẽ ra có thể chủ động quyết giá nhưng thực tế không làm được. Thậm chí, có tình trạng giá giảm đến mức người nuôi bỏ ao.
Nhìn lại giá tôm sú năm 2015, ông Hòa nói: “Giảm thê thảm và hiện nay (giữa năm 2016) cũng đang rất thấp. Ví dụ, giá tôm sú của Indonesia, size 16 - 20 là 15,8 USD, còn tôm của Việt Nam bán cho Nhật Bản chỉ được khoảng 13 USD. Nguyên nhân quan trọng là chỉ vì một vài thương lái làm ăn gian dối, gian lận nên khách hàng từ chối mua, khiến hàng tồn kho, DN phải giảm giá bán”.
Còn ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu sự liên kết giữa những người chế biến thủy sản ở nước ta và thiếu tính cộng đồng trong hoạt động XK. “Nếu không xây dựng những nhóm như thế này, thì giá cá tra còn xuống nữa”, ông Thắng khẳng định.
Theo các chuyên gia, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Cho nên, muốn tận dụng được cơ hội vàng mà ngành thủy sản đang có, không còn cách nào khác là phải thành lập các chuỗi giá trị. Từ đó, ràng buộc trách nhiệm các tác nhân tham gia chuỗi, đặc biệt là để thương lái thu gom, nuôi trồng phải có trách nhiệm với sản phẩm, công việc của mình, để họ thấy được nếu làm ăn gian dối là tự lấy dao đâm vào mình.
Đối với việc nuôi tôm xuất khẩu, một số ý kiến cho rằng Bộ NN&PTNT cần có các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức về tôm sạch cho người nuôi. Rà soát cấp phép và kiểm soát giá, chất lượng vật tư cung cấp cho sản xuất, thực hiện thanh tra, xử lý mạnh tay nếu vi phạm.
Để chủ động trong quản lý, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Nguyễn Việt Thắng cũng kiến nghị, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương cho phép Hiệp hội có quyền công bố danh sách các thành viên trong Hiệp hội không tuân thủ các cam kết; quy chế; điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách.