Công văn này cũng yêu cầu, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận thành lập ngay đoàn thanh tra đối với Công ty Việt Úc; yêu cầu công ty này đưa tất cả đàn tôm gia hóa thành tôm bố mẹ về cơ sở riêng biệt, dừng ngay việc nghiên cứu chọn giống và không được phát tán, sử dụng các đàn tôm nghiên cứu để sản xuất giống phục vụ kinh doanh. Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xét nghiệm ở các trại giống và tôm giống trước khi đưa ra thị trường nhằm ngăn chặn hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính lan ra vùng nuôi.
Công văn của Tổng cục Thủy sản cho biết theo phản ảnh của những người nuôi tôm tại Nam Định, Ninh Bình thì tỉ lệ thiệt hại do tôm bị hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính đối với diện tích thả giống của Công ty Việt Úc rất cao. Số ít tôm còn lại không chết thì bị chậm lớn. Tình trạng trên cũng xảy ra tại TP.HCM, với vùng nuôi tôm sử dụng giống của Công ty Việt Úc. Trước tình này, Tổng cục Thủy sản đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện công ty này đã chọn tạo giống trong khu sản xuất không đảm bảo an toàn sinh học. Công ty không có tài liệu giám sát quá trình chọn giống, không có số liệu sinh sản, không có bảng hiệu đánh số các bể nuôi để theo dõi tránh nhầm lẫn.
Như tin đã đưa tháng 3-2013, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã có tờ trình gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý việc Công ty Việt Úc nhập hàng chục ngàn con tôm giống thẻ chân trắng nhưng không có hồ sơ, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Tuy nhiên, sau đó Công ty Việt Úc đã có hồ sơ chứng minh các đàn tôm đều có nguồn gốc rõ ràng được nhập từ Mỹ (đàn OI), Singapore (đàn SIS) và Thái Lan (đàn CP).